SỐ 40 - THÁNG 10 NĂM 2008

 

Thơ

Lầm
24Vũ Hoàng Thư
Qua công viên
24Di Trương
Đêm Mỹ Tho
21Phạm Hồng Ân
Gió về
18
Trần Việt Bắc
Bắc lưu
18Tử Hà
Bến yêu
18Huỳnh Kim Khanh
Thu
21
DTM - PTP - VHT
Thơ tri kỷ
21Ái Ưu Du
Khi tôi chết
21Hoàng Mai Phi
Đêm trăng tây bắc
24Đỗ Phong Châu
Hoa cỏ
24Tôn Thất Phú Sĩ
Trăng và tôi
21Kim Thành
Time stands still when I look into your eyes
18
Niles Vo
El Sol y La Luna
18Tiểu Châu
Em đến thăm một chiều mong manh
18Vinh Hồ
Oruga Hyakunin Isshu số 2
21
DTM - PTP - VHT
Thơ phiếm bầu cử Hoa Kỳ
21Tú Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Mùa thu và Paris
14
Xuân Phương
Căn nhà sau cửa biển
14Phan Thái Yên
Người tù điên
14Phạm Hồng Ân
Đoàn tụ
14Phan Ngọc Danh
Ban Mê và nỗi nhớ
13
Đỗ Trường
Vọng biển
14
Nguyễn Nhật Cường
Con búp bê tật nguyền
8Cỏ Biển
Nơi chỉ xài bạc cắc
8Tầm Xuân
Mái tóc của Huế xưa
8Trần Hoài Thư
Gió chướng
8Song Thao
Không gian ảo
8Tiểu Đỉnh
Chiếc áo gấm
8Ái Ưu Du
Trách nhiệm và luật pháp
8Đỗ Trường
Trở về
8Đỗ Phong Châu

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
1Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành - Kỳ 13
4Ngô Văn Xuân
Những lời tiên tri về tận thế
4Vinh Hồ

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 27
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (19,20,21)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết (2)
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Hồi kết

1Huỳnh Kim Khanh


 

Chiếc áo gấm

Chúng con đau đớn tưởng nhớ ngày giỗ của ba mẹ.
Ái Ưu Du

Tôi cố gắng giằng co, quyết giành lại chiếc áo gấm cũ với định mệnh. Dù thời gian trôi qua, đã khiến chiếc áo hư hao, phai mòn, sờn úa. Và không gian trôi dần, trôi dần về phía tương lai tách bạch ra đôi bờ cuộc sống.

Không ai có cách gì ngăn chận tuổi già héo hắt trước thời gian. Vâng! Có lẽ nay tinh thần lẫn thể chất tôi đã già cỗi! Và, chiếc áo gấm năm xưa còn đây, mà ngón tay gầy run run, tôi cài hoài mấy nút áo cũ, vẫn chưa xong. Thời gian đã cướp dần đi tất cả. Vẫn biết thế, nhưng tôi mong muốn níu kéo, âu yếm dùng dằng ngắm nhìn lại chiếc áo gấm. Nếu tôi được nhìn nhiều lần càng tốt.

Ngày ấy, chúng tôi vui vẻ dừng chân trên con đường mòn vòng vo uốn lên uốn xuống, gãy khúc quanh co ven đồi thông ru tình tại Đà Lạt. Chúng tôi chỉ nhìn vài con chim lí lí lắc lắc, rù rì bay qua bay lại, trên những cành cây mảnh dẻ, mà cảm thấy hay hay, vui vui. Lần đó, tôi liếc liếc ghé ghé thẹn thùng, e ấp trêu chọc anh, và say đắm nhìn anh. Hai bàn tay tôi nhẹ nhàng, khéo léo khép vạt áo veston của anh, cài hộ Luật mấy nút áo, cho anh bớt bị gió lạnh lùa vào cơ thể.
Ngày bị vào tù “cải tạo”, Luật đã bỏ chiếc áo vét nầy lại, cùng với những lá thư tình đầy ắp yêu thương anh viết dày cui. Thư của Luật viết có văn phong gợi cảm, là những bức tranh phác thảo duyên dáng, về câu chuyện gia đình, tình yêu, phúng dụ, vỗ về, hứa hẹn, an ủi, mang tính cách gia đình lý tưởng, hạnh phúc bền lâu. Đó cũng là chiếc áo gấm lý tưởng tinh tuyền muôn thuở, có dấu vết rất thân yêu, quen thuộc duy nhất từ buổi thiếu thời. Dù qua phong sương mưa gió, chiếc áo của anh đã cũ. Thư tình anh viết ngả màu vàng úa đọng bụi phấn thời gian.

Ấy vậy mà, tôi vẫn nâng niu giữ gìn tấm áo từ hồi chưa cưới nhau, mãi trân trọng ấp ủ tình luyến nhớ, thương mong tận đến bây giờ. Và tôi hồi tưởng về quá khứ buồn vui lao xao, dẫu đời đang xáo trộn chao đảo. Vì ngày còn trẻ, tôi chưa lo nghĩ đến tuổi xế chiều phôi pha, rồi sẽ ra sao. Bởi tình yêu chúng tôi đó, giống dòng sông chảy qua bao dải đất: Phù sa phì nhiêu có, cằn cỗi có, tươi tốt có, băng giá hoang tàn lẫn đau khổ cũng có.

Giờ nầy Luật cùng muôn ngàn người trai trẻ khác, đã đi tập trung trong tù rồi! Anh đã ra đi. Nhưng anh không ra khỏi đời tôi. Còn mỗi mình tôi đứng chơ vơ lạc lõng giữa chợ đời muôn mặt, với sợi tơ hồng quá mong manh, cứ rung lên bần bật giữa lưng trời. Tôi lặng lẽ chua chát đối mặt với cuộc sống, ấp ủ kỷ niệm thời chớm lớn, với những tủi hổ vô vàn, và những đắng cay thăng trầm tột độ trào lên bờ mi mọng từng chuỗi giọt sầu.

Rồi dòng sông xô sóng sau dồn sóng trước, cuồng nộ đập vào gờ đá, hay lặng lờ êm ả thong dong trôi chảy ra biển cả. Thế nhưng, ngọn nguồn óng ả tình trần hiện nay có mất đi chăng? Khi thời gian khẳng định ngàn mối lo âu, đói khát cơ cực, run rẩy dâng tràn!? Nay tôi đang mặc chiếc áo ấy của anh, lẻ loi đơn côi ghê gớm, tôi âm thầm đi một mình, buồn bã trên con đường xám ngắt thuở xưa. Hai bàn tay lạnh giá run rẩy, tôi không cài nỗi nút áo bạc phếch thời gian và cũ mèm.

Kỷ niệm bây giờ chả là gì! Không quan trọng! Chỉ là những chương đã viết trong pho sách tình, xếp lớp lớp trên kệ sách phủ bụi vàng ít khi được mở ra xem. Pho sách cuộc đời từ đây phải đóng lại. Trang giấy đã lật qua từ quyển mới, thì hồi tưởng nhớ nhung kỷ niệm, chỉ như chiếc lá úa lắt lẻo đong đưa trên cành cao, chờ cơn gió lay để chao đi. Như những áng mây xám lưng đồi bay qua bầu trời mùa thu. Như côn trùng biến dạng vào lòng đất mà thôi.

Tôi thấy rõ tính chất phù phiếm của quá khứ mang đầy kỷ niệm lãng mạn rồi. Nay tôi muốn sống một cuộc sống khác hẳn: Thực tế sung mãn hơn. Nhưng, chả hiểu có thực hiện nỗi không, là còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và ý chí: Trước tiên, tôi muốn cho đàn con phải nên người hữu dụng, kiên cường vượt qua mọi chông gai thử thách. Chỉ bấy nhiêu thôi. Ý nghĩ nầy như viên sỏi ném xuống mặt hồ phẳng lặng, tạo thành những vòng tròn đồng tâm, ám ảnh tâm thức tôi bồn chồn, băn khoăn, co siết mãi trong lồng ngực quắt quay.

Ngày mồng 5 tháng 5 năm 1980 âm lịch, tôi được anh Chín Dzoãn báo tin sét đánh: Mẹ tôi đã chết ở trong Ta In, (khu đất thuộc cuối vùng Tỉnh Tuyên Đức Đà Lạt). Ta In là cuối địa đầu quận Đức Trọng, giáp ranh giới vùng Di Linh. Nơi tít tót đèo heo hút gió, thâm u cùng cốc lạnh lẽo, vô cùng hiểm trở, có đi mà ít có về nguyên vẹn. Nơi chó ăn đá gà ăn muối khốn cùng của vùng kinh tế mới khô cằn. Chỉ nhiều muỗi, vắt, đỉa, ruồi trâu, bò cạp rừng to và độc kinh khủng, rắn, rết vô số. Chúng chuyên bu bám người để hút máu. Nơi có nhiều mụt măng le tre rừng, ăn vào cho đỡ đói, thì sẽ bị sốt rét ngã nước chết toi.

Tôi lặng người rất lâu, mà không thể khóc thành tiếng. Nước mắt u uẩn tự động tuôn chảy từng dòng, dội ngược vào tim. Hình như tôi đang nghẹt thở, chết dần chết mòn. Tôi không còn cảm giác nào khác, ngoài sự dày vò ân hận đớn đau lên tột đỉnh. Vì, giá như trước ngày 30-4-1975, nếu có chiến tranh, có đánh nhau dữ dội, tôi cũng có xe hơi riêng, hay có thể mua vé máy bay về với mẹ, quỳ xuống bên mép giường cầm tay mẹ, ôm chặt lúc mẹ hấp hối.

Giờ đây tôi không thể đến bên xác mẹ già yêu dấu, để nhìn mẹ một lần chót trong giờ mẹ lâm chung. Tôi không lẽo đẽo đi sau quan tài mẹ, vật vã khóc than tiễn đưa mẹ về nơi an nghỉ nghìn thu. Tôi không thể nào xin tấm giấy phép đi đường, cũng không thể chen lấn ra bến xe đông nghẹt người có giấy phép ưu tiên. Vì, tôi là kẻ “ưu tiên u đầu” thì có. Tôi không thể đứng ngày nầy qua đêm khác ngoài bến xe, nhịn đói nhịn khát, chờ mua vé đi Đà Lạt. Biết tin mẹ chết, cũng đành chịu, chẳng dễ dàng gì! Dù từ Hốc Môn đi Ta In, chỉ hơn 300 cây số.

Thế là hết thật rồi! Một thân xác héo hon đã thực sự trở về với cát bụi phù dung. Má con chúng tôi không biết làm gì hơn, ngoài việc quây quần bên nhau, qùy dưới nền đất, sụt sùi, suy niệm lời Chúa, lâm râm dâng lời cầu nguyện. Tôi ứa nước mắt nhìn mẹ trong hồi tưởng:

Mẹ tôi sanh tại làng Thuận Nhơn. Nhà ông bà ngoại, (tức ông bà cố ngoại của con tôi) ở bên con sông rợp bóng hai hàng dừa, và lũy tre xanh um bóng mát. Thuộc Tổng Cù Hoan, Phủ Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Mẹ lớn lên trong một gia đình bế thế phong lưu giàu có, ruộng vườn của ông bà ngoại cò bay thẳng cánh, lúa gạo trâu bò nhiều nhất vùng thời bấy giờ. Ông cố ngoại là một võ quan rất giỏi trong triều đình vua Khải Định, Huế.

Mẹ có dáng dấp thon thả, làn da bánh mật, răng hạt huyền nho nhỏ đều đặn, miệng cười chúm chím, mắt phượng mày ngài, mũi cao, mái tóc dài láy đen bối thành một búi to sau gáy. Áo quần mẹ luôn trang nhã, sạch sẽ và tươm tất. Mẹ đi ra ngoài đường, ở trong nhà, hay đi ngủ, mẹ đều thay đổi quần áo ở đâu ra đó hẳn hoi. Dù đi khỏi xóm, đi chợ, hay đi bán, mẹ luôn mặc áo dài đoan trang kín đáo che thân. Đặc biệt mẹ sống cuộc đời bình dị đạo đức, chất phác lương thiện, dịu hiền phúc hậu. Mẹ siêng năng tần tảo đầu tắt mặt tối, long đong bán buôn xuôi ngược. Mẹ nhẫn nhục lao khó giúp chồng, nuôi đàn con nên người. Vất vả vì chồng vì con nheo nhóc, mẹ không hề tỏ lộ bất bình, hay nặng lời to tiếng.

Trời mưa tháng gió ở nhà rảnh rỗi, mẹ siêng năng cần mẫn khéo tay tự chằm nón lá. Mẹ may áo quần cho chồng, con. Đôi khi mẹ cũng may biếu cho bạn mẹ, và người thân. Đó là việc vặt, trong nhiều hy sinh to lớn khác. Phải nói là hầu như suốt cuộc đời mẹ, chưa có lúc nào an nhàn thảnh thơi, ngưng nghỉ tay chân. Cái số mẹ cực thân đến thế mà!
Đồng thời mẹ xứng hợp với đức tính bác ái khoan dung của chồng. Mẹ dễ dãi cả tin khi ai nói điều gì xuôi tai “nịnh” mẹ, thì có bao nhiêu tiền của, mẹ nhẹ dạ trút cho người ấy hết. Dù sau đó biết mình bị lừa, nhưng mẹ không giận lâu, mẹ “hờn mát” một chút rồi quên ngay. Mẹ chân chất hiền lương đến độ thật thà như đếm. Mẹ tính tiền cũ từ thời vua Bảo Đại, ra tiền cụ Ngô, đến thời đổi tiền ở chế độ Sài Gòn cũ, trông mẹ giống thầy bói mù sờ con voi. Mẹ luôn bị kẻ chợ ăn lường.

Thế nên, dẫu bị mất hết tất cả tiền bạc, nhà cửa tan hoang, mẹ không thèm tiếc. Mà mẹ chỉ ôm khư khư bình vôi đồng đen, nhỏ như cái chén kiểu, nhưng khá nặng, thân hình vôi tròn vo, đít vôi bằng phẳng, có quai xách đồng xinh xinh bên tai vôi. Mỗi lần ăn trầu, mẹ lấy cây chìa vôi têm vào mấy lá trầu xong, còn dư vôi trên cây que chìa, mẹ quệt quệt lên trên miệng bình, cho “bình vôi hưởng tí xái”. Thế là miệng “bình vôi vui vẻ” nhô cao, còn lỗ miệng bình vôi thì teo tóp dần, mà nó hô, loe, vẩu ra, hơi giống miệng con heo nái, coi ngộ nghĩnh sao đâu. Hồi ấy tôi nói với mẹ:

- Tại mẹ ưa mời bình vôi ăn trầu, nên cái miệng nó mới loe ra kinh khủng nè.

Mẹ cười vui vẻ. Mẹ rất thích bình vôi đồng đen nầy, nó đã theo mẹ suốt từ thời mẹ về nhà chồng, đến tận ngày nay. Ấy vậy mà bây giờ mẹ cũng từ bỏ hết. Kể cả chồng, con, cháu, chắt dấu yêu, bỏ hết của cải vật chất vinh sang xưa. Một mình mẹ lặng lẽ chết đói ra đi, âm thầm về bên kia cuộc sống mới.
Bà chị dâu của tôi kể lại:

- Hôm mẹ vĩnh viễn từ bỏ con cháu, ấy là một buổi sáng trời ốm nắng, trong nhà ai ai cũng lo đi rẫy, đi rừng kiếm sống. Tửng bưng sáng, anh Dzoãn đi bộ từ trong Ta In ra Tùng Nghĩa, anh chạy vay tiền, để mua thuốc cảm về cho mẹ. Ở nhà chỉ có một mình chị loay hoay dọn dẹp nhà cửa. Mẹ nằm im trên giường rất lâu, không động đậy nhúc nhích.
Chị Ngọ thấy mẹ không dậy ăn trưa như mọi ngày, nên chị bước qua gian liếp bên cạnh, chị đến bên giường tre lạnh lẽo, không nệm ấm chăn êm. Nhà anh chị quá nghèo, đi kinh tế mới họ chỉ có mấy nhúm quần áo, vài bao bố xoong nồi chén bát, guốc, dép, linh tinh... Ít mùng mền đơn bạc, và những bàn tay trắng. Con dâu dắt díu mẹ già tám mươi tuổi lom khom leo núi. Chồng đau bao tử cùng bầy nhỏ lút chút tám chín đứa con, đứa lớn nhất mười ba tuổi trở xuống đứa non tháng tuổi, thì lấy đâu ra những thứ xa xỉ ấy, trong thời buổi gạo châu củi quế.

Mẹ trùm chiếc khăn màu nâu, mặc áo dài nỉ dạ đen, quần đen, áo len nâu khoát bên ngoài, và mang đôi tất đen. Mẹ nằm nghiêng, quay mặt vô phía ván vách bằng bìa gỗ. Mẹ chập chờn thiêm thiếp trong giấc ngủ muộn phiền.
Chị e dè hỏi thăm:

- Mệ ơi! Mệ có khỏe không?

Chị Ngọ không thấy mẹ tôi trả lời, chị liền cúi sát xuống bên mẹ, nhè nhẹ lay lay đập đập vào cánh tay mẹ:

- Mệ ơi! Con nấu cháo, cho mệ ăn nghen.

Mẹ tôi lừ đừ mở mắt, cố gắng quay ngoái cần cổ yếu ớt ra phía con dâu, thều thào:

- Hôm ni có... cháo ăn... hả con.
- Dạ. Mệ đau, không ăn được măng luộc hầm mềm, như mọi ngày đâu. Để con đi ra chợ xép, mua chút ga, về nấu cháo. Mệ ráng chờ. Con nấu mau lắm.
- Thôi con. Để dành gạo nấu ... cho thằng Cu Nâu, ... có chút nước hồ mà uống, thay cho sữa mẹ không có... Con à.
- Thằng bé con không đến nỗi nào đâu. Mệ.

Thế rồi, mẹ tôi ư hử quay mặt vào trong vách. Non giờ sau mẹ từ từ nhắm mắt, và dần dần thiếp vào giấc ngủ nghìn thu muộn phiền. Mẹ đã đói khát năm năm rồi, và trước khi lìa đời, mẹ vẫn nhịn đói. Mẹ không đành ăn chén cháo trắng muối hột. Mẹ muốn nhịn phần ăn hiếm hoi ít ỏi cuối cùng, để chia sẻ cho đứa cháu nhỏ, chưa tròn hai tháng. Mẹ chết đói. Mẹ âm thầm lặng lẽ ra đi, đúng vào ngày Tết Đoan Ngọ.

Lẽ ra, như Tết Đoan Ngọ từ những năm xưa, thì mẹ tôi ưa mua hoa quả bánh trái. Mẹ làm bánh tro, bánh nếp, bánh bèo, bánh ít, bánh nậm. Mẹ làm cả cơm rượu nếp cẩm, nếp than. Mẹ nấu cơm gạo thơm với nhiều thức ăn thịnh soạn, nóng hổi, linh đình, cho con cháu, từ xa trở về hân hoan sum họp gia đình vui vẻ. Mẹ nói:

- Các con, cháu, ăn bánh tro, ăn cơm rượu, uống chút nước cơm rượu, thì sẽ diệt giun sán trong bụng. Hì.

Nay mẹ không nói một lời từ giã, không một lời trăng trối. Mẹ muốn im lìm sớm trút gánh nợ đời, khỏi phiền con cháu khó nghèo đông đúc. Con cháu không phải cưu mang “nuôi người vô dụng” thêm miệng ăn. Mẹ muốn rũ bỏ từ trên vai anh chị tôi, và các cháu nỗi âu lo, vì bổn phận và trách nhiệm nặng nề.

Hầu như cả xóm Trong xóm Ngoài ở Ta In đều thương cảm, họ đã cùng nhau đến lo cho mẹ chúng tôi chu đáo. Mỗi người một việc tươm tất chu đáo, từ đầu đến cuối gọn gàng. Trước khi đậy nắp áo quan, họ vẫn mặc nguyên bộ quần áo cũ, khăn, tất, lúc mẹ bỏ đi. Và họ mặc lồng thêm cho mẹ chiếc áo gấm, nền màu nâu non, điểm rải rác những bông hoa cúc đại đóa vàng nghệ. Mà xưa kia mẹ tôi đã mặc trong ngày trọng đại nhất của đời con gái, khi họ nhà trai hân hoan tưng bừng đến rước dâu.

Nay thì người khác đã thay ba tôi mặc chiếc áo gấm của ba đã trao tặng mẹ. Họ đặt xâu tràng hạt vào bàn tay mẹ lạnh giá, và để bình vôi đồng đen bên cạnh mẹ. Sau rốt, họ choàng thêm cổ áo quan dày cui thô sơ ra bên ngoài.

Mọi người tiễn đưa mẹ về an nghỉ nơi nghĩa trang quạnh quẽ. Không một vòng hoa cườm đen cườm tím, cùng lời thành kính phân ưu. Không có cỗ áo quan sang trọng đắt tiền, mà chỉ là sáu tấm ván thông thơm mùi nhựa mới hèn mọn. Không bát nhang đèn nến, rườm rà nghi lễ. Không có gì, không còn gì tất cả, ngoài nỗi đớn đau kinh hoàng.

Ấy thế mà, người dân cùng đinh đến thăm viếng mẹ đông đúc, từ ngoài ngõ đầy kín người đến trong thềm nhà. Họ chia buồn, ân cần giúp đỡ gia đình anh chị tôi nhiệt tình. Họ nghỉ đi rừng, đi rẫy, nhịn đói nhịn khát, cùng nhau lặng lẽ khiêng quan tài mẹ tôi băng rừng, leo qua một triền núi thấp, vượt đốc, qua bãi đầm, thung lũng sình lầy. Rồi họ leo lên ngọn đồi toàn đá ong lởm chởm, đơn điệu, bơ vơ. Mẹ tôi nằm xuống, và vĩnh viễn ở lại nơi rừng núi bạt ngàn hoang vu lạnh lẽo, với cây thánh giá gỗ, tấm bia mộ gỗ đơn sơ, ghi khắc nơi an giấc nghìn thu đạm bạc và đớn hèn:

Mattha Ngô thị Cúc, sanh năm: 1895 - 1980. Thọ 85 t.

Thật đông nghẹt người lủi thủi trở lại lối cũ, trên con đường đất đỏ gồ ghề mẹ đã đi qua. Tôi luôn đau đớn, tủi hổ, dày vò và khóc sưng mắt, khi nghĩ về mẹ. Thời gian lật đật qua đi, tôi tất bật bồn chồn, âu lo với công việc cơm áo khốn đốn mỗi ngày, vẫn không đủ sống.

Ngoảnh nhìn lại, mới đó mà đến ngày giỗ đầu của mẹ. Tôi bươn bả đi mót khoai lang, sắn mì, dưa leo và đậu đũa ngoài ruộng Nhị Tân (Hốc Môn). Tôi hớn hở đem mấy thứ ấy về nhà làm sạch, chu đáo xào nấu xong. Tôi bày thức ăn lên chiếc bàn cũ kỹ xiêu vẹo, chỉ có ba chân rung rinh như răng rụng. Còn một góc thì kê tấm táp lô sứt mẻ, thay thế một chân bàn què.
Bà Nga hàng xóm nói:

- Xời! Việc gì cô phải nhọc lòng! Chứ cô không thấy mẹ cô chưa kịp về, thì bầy ruồi ốm đói đã trúng mánh, bu tám lớp, và o o o... xơi tuốt rồi. Cô làm gì có ghế, cho mẹ ngồi chơi xơi nước. Ơ! cô bắt mẹ mặc áo gấm, ngồi ăn giỗ mí chạp cho mệt! Khéo vẽ!

Bà Nga nói liu lo huyên thuyên, và cười sảng khoái, chẳng ngại mất lòng. Tôi nghe mãi mới hiểu được thâm ý bà. Thiệt dễ ghét quá đi. Tôi ngẩn ngơ nhìn bà Nga. Những giọt nước mắt nóng hổi đang lăn dài dài xuống má. Giọt khóc quê hương. Giọt hờn tủi khóc ông bà ông vải cha mẹ khuất mặt khuất mày. Giọt khóc chồng sống đọa đày ở trong tù. Giọt khóc bầy con lù đù vất vưởng long đong ở ngoài tù. Giọt đắng cay khóc cho chính bản thân tôi lầm than cơ cực.

Khổ đến nỗi tôi không tiền không bạc mua cặp nến đỏ, bình hoa tươi, hương nhang cắm trên bàn. Tôi không mua cúng mẹ dĩa bánh bèo, bánh ít, bánh nậm, thứ bánh mà mẹ thích ăn lúc sinh tiền! Tôi không thể kéo mẹ về cùng hương khói, để má con chúng tôi quỳ dưới đất, sì sụp lạy tạ lỗi cùng mẹ, cùng bà ngoại! Sợi dây tình nghĩa thiêng liêng mong manh hơn khói sương, nối liền giữa mẹ -với má con chúng tôi- đã đứt lìa.

Người đàn bà còn quá trẻ, bỗng co nhói lên từng cơn đau tim nghẹt ứ xót xa khôn tả xiết. Vốn bị nghị lực mài giũa cọ liếc mỏng tanh, tôi nghẹn ngào, đắng cay, hơn sự cơ cực đọa đày chịu đựng dài lâu. Nén sự trầm uất dưới chiều sâu tâm hồn, đã vọt lên tim, lên óc, lên cổ tôi những cục nấc nghẹn ngào tức tưởi. Tôi đứng giữa trời mà khóc, mà cười. Cười khẩy. Tôi không sao hiểu nỗi “đời”! Tâm hồn tôi hằn lên vết rạn, xếp lớp lăn tăn theo sóng đời cơ cực. Khi gia đình nhỏ chúng tôi lầm than khốn cùng, rớt dưới tận đáy xã hội phù phiếm.

Nơi con đường cũ mà cha mẹ tôi đã từng đi qua đó, nay mẹ con chúng tôi sẽ dắt díu nhau lọt tọt líu ríu bước thấp bước cao, lần mò đi từ ngày nầy qua tháng nọ. Đi từ hừng đông đến hoàng hôn, không ngơi nghỉ. Những đôi môi khô run run nếm đủ cay đắng, ngọt bùi xính vính tình đời, còn mấp máy và thút thít, như nghiền nát hiện tại đang phừng phựt cháy trong lòng.

Sau đám sương mù dày đặc ngoài trời kia, là tương lai tối thui và con đường gồ ghề, lởm chởm sỏi đá lẫn lộn bùn tro bầy nhầy. Con đường tiến thân của mẹ con chúng tôi đó, hình như có tiếng âm vọng não nề. Chúng tôi không biết nên bắt đầu từ hướng nào cho phải! Đôi bàn tay tôi khô cứng, chai sạn nứt nẻ, hợp lực với những bàn tay các con thơ yếu gầy bé tí xíu, quơ quơ về phía trước. Cùng lòng can đảm, tận tụy, chịu đựng gian lao, nghèo khổ siết chặt, thì không có cách gì lay chuyển.

Trời xanh không có một vắt mây trắng, nhưng sao đôi mắt tôi mù mây giăng mắc khắp nẻo đi lối về? Tôi đang mặc chiếc áo gấm của Luật để lại, tôi tưởng chiếc áo dù cũ, nhưng có phần nào che gió chắn mưa. Thì hy vọng tôi bớt cảm thấy cô độc, ấm áp và ít lạnh. Ngõ hầu tôi sẽ đương đầu, chạm trán, chơi những canh bạc đen đỏ với định mệnh.
Đành phải như thế thôi. Nếu định mệnh không gạt gẫm chúng tôi: Xỏ lá sát phạt chơi khăm chúng tôi trắng tay – và đểu giả lật ngửa quân bài ra – Khi trận đấu chưa bất phân thắng bại. Thưa ông!

Ái Ưu Du