Trần Hoài Thư
1.
Mấy mươi năm rồi, anh vẫn thấy như một buổi sáng nào, hình ảnh em cùng với mái tóc thề buông xõa. Anh vẫn thấy lại chiếc cầu đá bắt ngang sông An Cựu, và nghe ngân nga hồi chuông nhà thờ lướt thướt vọng về. Anh trồng đôi chân nơi đầu cầu này. . Anh giả vờ nhìn xuống cầu. Sương muối che tầm mắt không thấy gì dưới đáy, mà sao những vòng tròn sóng cứ lan rộng ra, như lòng anh bát ngát niềm vui. Anh đợi em đây. Em biết không. Phải. Cái duyên đẩy đưa chúng ta có cùng chung ngôi trường, cùng chung lớp học. Cái duyên đẩy đưa chúng ta có cùng lối đi lối về, có cây cầu đá bắt ngang, để anh nhìn sông An Cựu nắng đục mưa trong. Cái duyên để một tên học trò nghèo được làm bạn với một cô bạn gái xinh đẹp. Cái duyên cho anh được em hỏi bài hỏi vở, bắt giải giùm những bài toán khó khăn. Cái duyên cho anh được ngồi cạnh em, lòng xôn xao vô cớ. Nhưng cái duyên ấy không đi xa hơn. Nó không cho anh được một lần phải khóc vì thấy rằng đời mình còn được diễm phúc. Bởi vì những buổi sáng Phủ Cam dầy đặc sương mù để làm sao anh còn chụp bắt được một hình bóng thân yêu. Bởi vì áo trắng của em cũng đã khuất bóng trong vùng sương khói.
Nhưng mà, em ơi. Anh còn giữ mái tóc của em đây.
Anh để trong tận cùng hồn anh dòng suối đen tuyền lai láng. Huế mùa thu se lạnh. Em quấn khăn choàng quanh cổ, cài thêm cánh hoa trên đầu tóc. Huế mùa hè, đường phượng hồng dòng suối đen óng dưới ánh nắng rực rỡ của tháng năm tháng bảy học trò. Khi ấy, chưa biết thế nào là tình yêu, sao mà con tim lại rung động lạ thường. Khi ấy, chỉ biết buồn nhớ vu vơ, chỉ mong làm sao cho đêm qua nhanh, cho ngày chóng lại, cho tôi được ra đầu cầu, dứng đợi hồi chuông lướt thướt ngân nga...Khi ấy, có khi theo hoài theo hoài như kẻ bị hớp hồn, để em ngồi bàn trên, anh ngồi bàn dưới, trang sách vở cứ bị choáng ngợp bởi dòng sông, mềm xõa xuống bờ vai, mềm chảy lững lờ, khúc giữa ánh lên nắng ngoài khung cửa. Khi ấy, học trò nghèo áo vá, buồn hơn trời mưa xứ Huế, đi dép rách mà nhìn đôi guốc hoa nhọn giẫm trên lối gạch lầu cao. Phủ Cam một đầu dẫn lên dốc, chóp nhà thờ nhìn xuống dòng sông. Phủ cam một đầu dẫn xuống cầu, ai qua, có buồn như anh nhìn xuống cầu mà rưng rưng. Sông An Cựu nắng đục mưa trong. Lòng người cũng vậy. Phải không? Không, lòng anh vẫn không thay đổi.
Nhà anh nghèo, đèn dầu thay đèn điện. Đêm phải ra cầu, ngồi bên thành cầu dưới trụ đèn để học bài. Học gì. Từ nới này nhìn lên phía dốc. Nhà em cuối cùng. Muốn đến để nhìn vào. Muốn nép mình trong bóng đêm để tìm xem mái tóc hiện bên khung cửa. Mà ngại ngùng. Trời ơi. Những bầy đom đóm lập lòe trên sông, tiếng cá nhảy, tiếng ếch nhái kêu. Đêm có khi đầy sao. Sao lạnh và nhạt nhòa trên đáy nước. Sao vỡ ra khi chú cá nào hớp lấy bóng sao. Và anh, buồn từ dạo ấy.
Rồi từ đó, anh nói rằng, cám ơn em, đã cho anh hiểu được thế nào là tình yêu dậy thì. Và cám ơn Huế đã sản sinh những mái tóc thề. Để cho những đứa con trai khi bỏ Huế mà đi, phải bồi hồi nhớ lại một nơi đã cho mình những mộng mị.
2.
Và từ buổi đó, anh ra đi, theo những áng mây trên Trường Sơn và những ngọn tháp chàm cô độc xuôi dọc theo bờ duyên hải. Mái tóc có lần phủ ngập hồn anh, nhưng lửa khói đã làm anh chết ngợp. Anh đi tìm. Em ơi, anh đi tìm. Nhưng có dòng suối nào để hồn anh được tắm mát ? Có mùi hương nào để nghe lại một thuở dại khờ. Anh đi tìm. Qua những sợi tóc cuồng loạn tơi tả của những ả giang hồ, chưa xanh mà đã sớm biết đời cay đắng. Qua mái tóc cô giáo sinh trường sư phạm Qui Nhơn bị bắn ở cột cờ quận Tuy Phước, chiếc áo ngủ còn đọng cả máu tươi. Qua đầu tóc dính cả bùn của người con gái giao liên nằm phơi thây giữa đồng ruộng. Vâng, anh đi tìm. Nơi nào có mái tóc của một thời trẻ dại, để gió bay lùa sợi tóc mây. Anh đi tìm. Chẳng ai cho anh tìm. Ngay cả em nữa. Anh lăn lộn cùng vết thương trong phòng cứu cấp hồi sinh. Anh tàn bạo mở chốt lựu đạn bỏ trái mãng cầu vào ly và nốc rượu. Anh khát. Anh đói. Anh vồ chụp cá thau cơm chó mà nhai ngấu nghiến trong ngày khổ sai. Anh thúi tha ghê tởm cùng cơn dịch kiết lỵ kinh hoàng trong đêm cải tạo. Đừng mơ mộng nữa. Đừng lãng mạn nữa. Hãy quên. Hãy nhìn vào tương lai. Hãy đái vào cây xăng nơi cửa phố nơi máu anh đổ xuống một lần cho thành phố ấy bình an. Hãy đốt đi kỷ niệm ngọc ngà. Hãy quên. Hãy hì hục sống. Nhưng mà không ai bắt sao lại nghe lạnh chùng lòng. Một người xa Huế đến hơn ba mươi năm, chắc ngày về phải là buồn ghê gớm.
Thì em cứ cho anh là thằng con trai vong xứ. Về đi. Hãy về đi. Có gì còn lại để mà về. Hay là về để ngậm ngùi ra lại cầu xưa, nhìn lại bóng mình trên mặt nước. Để thấy những vòng tròn sóng lan dần và lan dần, mà chắc gì còn nghe tiếng chuông nhà thờ đổ xuống như thể làm ngẩn ngơ những đám mây trắng dừng lại trên sông. Về đi. Hãy về đi. Nơi này hay nơi khác. Thì cũng là quê nhà. Khi đất mình tha thiết. Khi trời mình nương tựa. Nhưng chắc chắn không có một nơi nào anh tìm được mái tóc thề năm xưa ấy nữa.
Và em cũng vậy. Có phải không ? Bởi vì con người đều có một thời. Mái tóc của em chấm vai, cho xanh thêm 16 hay cho óng ả thêm tuổi hạ tuổi hồng, Mái tóc em có dài thêm tận lưng, có chảy thêm như dòng sông nhỏ, hay có bay theo chiều gió lớn, thì cũng một ngày, sẽ không còn. Tóc sẽ cắt ngắn, để vĩnh biệt cất vào ngăn kéo thời gian, để làm buồn những gã con trai, để có gió mà không có tóc mây, để có con đường mà không còn người áo trắng. Tóc hết bay rồi, mà vành nón cũng hết nghiêng nghiêng, cặp sách cũng hết ấp vào trước ngực, và những chú cá cũng hết rồi chết sững dưới cầu. Nhưng có lẽ với em là hết, nhưng với anh vẫn còn. Như Huế vẫn còn trong anh.
Anh đã xa Huế hơn ba mươi năm có lẽ. Đôi chân đã phiêu bồng trên những dặm dài, và càng ngày càng dài vô tận. Chiều dài của không gian hay địa lý cũng thăm thẳm như chiều dài của thời gian. Từ một dòng sông An Cựu nắng đục mưa trong nay bỗng nhiên đứng ở bên dòng Hudson sương và khói. Từ nơi này, thấy những con tàu cứ 5 phút là cất cánh hay đáp xuống phi trường Newark. Về đi, về đi... Ở nơi này, không có cầu đá để anh đứng mà tìm những vòng tròn sóng cũ. Ở nơi này không có ghế có bàn để anh còn ngồi đốt lại điếu thuốc tình si. Ở nơi này, không có những đàn bướm trắng, qua cầu, lạc vào trong sương. Và ở nơi này không có những dòng suối đen mà những cánh hoa phượng vô tình đậu lại. Về đi... Nước thì vẫn chảy mà anh thì vẫn làm kẻ bên lề. Có một cơn mưa bụi. Có bờ bên kia, thành phố mờ nhạt ánh đèn. Anh nói với lòng. Ly cà phê còn nóng lắm. Như lệ lòng của anh đây. Về đi...
Trái đất tròn, không ngờ có ngày anh lại gặp em, nơi rất xa quê nhà. Cám ơn định mệnh. Cám ơn Trời Đất đã đưa đẩy hai người bạn học một thời được cơ duyên hội ngộ. Em ngồi đấy. Khác xưa. Khác hẳn. Người bạn học nói: Mi còn nhớ Cẩm không. Cẩm có mái tóc đẹp nhất trường đấy.
Trời ơi. Cẩm ấy sao. Tau không thể ngờ.
Để tau đến gặp.
Rồi anh đến bàn em.
Cám ơn cuộc họp mặt để tạo những cuộc gặp gỡ trùng phùng.
Ngôi trường cũ có bao nhiêu ô cửa
Hãy cho ta đếm những áng mây...
Những áng mây thì vẫn ngàn vạn năm trôi đi và trở lại. Có khi hợp rồi tan và tan rồi hợp. Như hôm nay anh về cùng ngày họp mặt của những con xứ Huế này. Và không thể ngờ anh lại được gặp em. Bất ngờ lắm. Sững sờ lắm. Thì ra Cẩm, Cẩm của thời ta si dại. Nhưng mái tóc không còn. Dáng e ấp cũng đã mất đi. Cẩm mừng ríu rít huyên thuyên. Nỗi mừng của bạn bè một thời cắp sách. Không phải là nỗi vui mừng như hai kẻ ở hai đầu sông xa tít mà uống cùng một dòng. Anh Vinh bây giờ ở mô làm gì, mấy con rồi. Còn Cẩm? Cẩm có gia đình từ khi anh đi lính. Anh ấy đáng lẽ hôm nay có mặt, nhưng bận trực bệnh viện. Cẩm có một trai một gái. Rồi em giới thiệu người thiếu nữ bên cạnh. Đây là con em. Cháu tên Bảo Hiền. Rồi em quay sang con gái, nói: Đây là bác Vĩnh, bạn học với me, con chào bác đi.
Cháu Bảo Hiền quay sang anh và cúi đầu. Trời ơi, một mái tóc thề, một dòng suối đang phủ trên bờ vai rất mềm của cháu. Dưới ánh điện nhiều nến, mái tóc óng ánh, như một dòng suối dát bạc. Dòng suối ngày nào lại chảy qua đời anh. Dòng suối mà anh đã một thời tắm bơi mê mệt. Dòng suối nào mà những người con của xứ Huế tự hào. Nó không phải là dòng sông mà vua Nguyễn một hôm nào nghe mùi hương tỏa dậy để gọi là sông Hương. Bởi vì sông Hương chỉ luân lưu theo hai mùa mưa nắng từ quê nhà. Sông Hương không chảy đi xa. Không khắc ghi sâu đậm vào tâm khảm của người xa xứ. Trái lại, cái dòng suối nhỏ mà mềm mại, mà mượt mà, mà ánh lên màu mun tuyền, mà để anh có lần gục đầu úp mặt. Nó đã chảy khắp bốn biển năm châu. Nó từ một thượng nguồn xa lắc xa lơ, để hạ nguồn chia làm những nhánh sông mang mùi hương mộng mị đến khắp cùng trái đất sau tháng 4- 1975. Để âm thanh tiếng Huế vang vọng khắp nơi khắp chốn. Để những mái tóc lại thêm một lần được gìn giữ qua lớp con lớp cháu.
oOo
Ôi mái tóc. Phải. Anh đã neo thuyền để đợi cô tóc xõa bờ vai. Anh đã đợi cô từ đầu cầu, với nụ hoa cài lên mái tóc, với hồn cũng lan những vòng tròn sóng bâng khuâng. Nhưng cuối cùng, thì thuyền đã bỏ, mà cầu đã xa ngút ngàn. Nhất là anh đang ở một nơi quá đỗi xa lạ, không thể ngờ trong đời này. Làm sao mà tìm ở đây một buổi sáng sương mù hay một trưa đường rực bông phượng đỏ. Làm sao mà nhìn lại những người con gái yểu điệu cuống quít hai tà áo. Làm sao khi văn hóa, xã hội, tập tục như bỏ lại đoạn đành. Làm sao khi con tim của chúng ta đã chai sạn, và mái tóc của chúng ta cũng đã nhuốm bạc. Thế hệ chúng ta cũng sắp sang trang. Và thế hệ khác lại tiếp nối.
Nhưng trôi qua không phải là mất.
Dòng suối ngày xưa đã chảy ra biển đã mất vào trong cõi vô cùng, thì có dòng suối khác lại tiếp tục.
Óng ả trên bờ vai rất mềm, rất thon, rất đầy và rất thân yêu. Của con em.
Hình bóng của em, có phải ?
Tháng 11.2006
(Thư Quán Bản Thảo tập 26 tháng 1-2007)
|