SỐ 40 - THÁNG 10 NĂM 2008

 

Thơ

Lầm
24Vũ Hoàng Thư
Qua công viên
24Di Trương
Đêm Mỹ Tho
21Phạm Hồng Ân
Gió về
18
Trần Việt Bắc
Bắc lưu
18Tử Hà
Bến yêu
18Huỳnh Kim Khanh
Thu
21
DTM - PTP - VHT
Thơ tri kỷ
21Ái Ưu Du
Khi tôi chết
21Hoàng Mai Phi
Đêm trăng tây bắc
24Đỗ Phong Châu
Hoa cỏ
24Tôn Thất Phú Sĩ
Trăng và tôi
21Kim Thành
Time stands still when I look into your eyes
18
Niles Vo
El Sol y La Luna
18Tiểu Châu
Em đến thăm một chiều mong manh
18Vinh Hồ
Oruga Hyakunin Isshu số 2
21
DTM - PTP - VHT
Thơ phiếm bầu cử Hoa Kỳ
21Tú Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Mùa thu và Paris
14
Xuân Phương
Căn nhà sau cửa biển
14Phan Thái Yên
Người tù điên
14Phạm Hồng Ân
Đoàn tụ
14Phan Ngọc Danh
Ban Mê và nỗi nhớ
13
Đỗ Trường
Vọng biển
14
Nguyễn Nhật Cường
Con búp bê tật nguyền
8Cỏ Biển
Nơi chỉ xài bạc cắc
8Tầm Xuân
Mái tóc của Huế xưa
8Trần Hoài Thư
Gió chướng
8Song Thao
Không gian ảo
8Tiểu Đỉnh
Chiếc áo gấm
8Ái Ưu Du
Trách nhiệm và luật pháp
8Đỗ Trường
Trở về
8Đỗ Phong Châu

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
1Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành - Kỳ 13
4Ngô Văn Xuân
Những lời tiên tri về tận thế
4Vinh Hồ

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 27
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (19,20,21)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết (2)
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Hồi kết

1Huỳnh Kim Khanh


 

Không gian ảo

 

Con hãy quan sát những đau khổ và
những nỗi thất vọng của chính con.
Đừng lên tiếng, và đừng hỏi tại sao.”

(Lời của Đức Phật)

Sài Gòn  năm 1972.

Một hôm chạy xe trên đường Nguyễn Trải, khoảng gần trường Pétrus Ký, tôi thấy có một ngôi nhà Tây, trên cổng có bảng đề Trường Nữ Sinh Mù. Bỗng hiếu kỳ, tôi muốn ghé vào thăm. Lúc đó tôi nhớ là khoảng 9 giờ sáng.

Thấy tôi đến bằng xe với tài xế, vài ba phụ nữ phục vụ trường tưởng tôi là người của thẩm quyền cao cấp nào đó đến thanh tra, bèn chạy gọi bà giám đốc ra tiếp. Bà giám đốc là em của giáo sư  Phó Bá Long, người thường đến thuyết trình tại lớp tôi học trên Đà Lạt cùng năm đó.

Tưởng tôi là người trên Bộ Giáo dục, bà ra đón rất ân cần. Tôi nói với bà rằng tôi không phải người trên Bộ. Nhưng bà nói:” Ông quá khiêm nhượng. Có lần tôi gặp ông ở trên Bộ rồi mà ông không nhớ ra tôi đó thôi.”

Tôi không cải chính, để coi sự thể sẽ đến đâu cho biết. Lời ông thầy dạy học tôi ngày xưa tôi còn nhớ. Thầy nói:” Chứng minh cho một người nữ biết họ lầm là điều dễ, nhưng cũng rất nguy hiểm và cũng không cần thiết. Tính tình của họ thay đổi từng giây từng phút.”

Đó là khuôn vàng thước ngọc trong thuật xử thế, sao tôi thể quên.

Thế là bà Giám đốc dẫn tôi đi thăm trường, xem phòng ăn, phòng ngủ, phòng tắm, bếp. Đến nơi nào bà đều chỉ cho tôi xem những thứ cần được tu sửa như tủ lạnh hết hơi fréon, quạt trần bị hư, tủ thuốc trống rỗng, thức ăn không đủ, ra-điô cho mấy em nghe nhạc không có điện trì, xà phòng tắm cho các em cũng thiếu, và còn nhiều nữa, nghe qua cảm thấy chóng mặt.

Thế là tôi bắt đầu trả giá cho sự hiếu kỳ của tôi.

Để mua thời gian, tôi xin bà ghi xuống tờ giấy những nhu cầu bà vừa kể.

Bà lấy một tập viết học trò, xé ra một trang, dùng bút nguyên tử ghi một thoáng là xong rồi đưa cho tôi. Tôi cầm tờ giấy, xin bà cho một phong bì để nó vào cho lịch sự. Liền đó, bà dẫn tôi xuống bếp, mời tôi nếm thức ăn dành cho các em nữ sinh mù trong ngày hôm đó.

Ở đây, tôi nếm qua món hủ tiếu xào thịt heo, món canh cải bẹ trắng nấu với tôm khô. Nếm thứ nào tôi cũng khen ngon, nhưng nói thật là không mấy hợp khẩu vị của tôi lúc bấy giờ, nhất là cái mùi nước mắm sao mà mặn chát.

Tôi hỏi: “ Mỗi ngày các em ăn mấy bữa cơm?”

Bà Giám đốc trả lời:” Hai bữa. Mỗi sáng mỗi em có thêm một lát bánh mì.”

“Các em uống nước gì?”

“Nước lạnh. Nhưng cả hai cái tủ lạnh bị hư từ lâu, chưa sửa được”

Sau đó, tôi được dẫn đi xem phòng ngủ của các em ở lầu 1.

Bước vào thấy có tất cả  khoảng hai phòng ngủ lớn, mỗi phòng chứa, theo lời bà Giám đốc, 50 giường đơn, trải chiếu, có màng. Nhiều nơi, chiếu có mùi khai của nước tiểu. Tôi biết vệ sinh phòng ngủ có vấn đề do trường thiếu lao công phục vụ Nhưng trường có bao nhiêu em, tuổi trung bình các em là bao nhiêu?

Bà Giám đốc nói: “Tất cả là 80 em. Gồm 65 em tuổi từ 8 đến 12. Số còn lại gồm 5 em tuổi từ 20 đến 27, có việc làm ở sở Bưu điện Sài gòn, lương công chức, 10 em trẻ hơn đang học trường Trung học Franco Chinoise ở gần đây. Hai năm trước, một em đã được gia đình người Mỹ sang xin cưới cho con trai của họ. Lễ cưới rất sang trọng, có nhiều album lưu niệm.”

“Trường hợp các em bị mù ra sao?”
“Có em bị mù bẩm sinh. Có em bị mù do bệnh.”
“Các em làm sao đi đến trường và sở làm?”
“ Có xe đưa đón.”
“Các em học Trung học viết bằng chữ Braille thì làm sao thầy giáo chấm bài cho được?”
“Các em ghi bài bằng chữ Braille nhưng dùng máy đả tự để viết bài cho thấy chấm.”
“Những trợ huấn cụ đó do ai cấp?”
“Do các trường mù bên Mỹ quyên góp gửi tặng.”

Ký hiệu Braille viết ngược, đọc xuôi. Tôi thử cầm lên một tờ giấy báo Thế Giới Tự Do đã được các em dùng viết loại chữ đó, thấy có nhiều hàng ngang, ngay thẳng. Đưa tay sờ vào thấy nham nhám nhưng tuyệt nhiên không phân biệt được ký hiệu gì với ký hiệu gì. Bà giám đốc nói:” Da ở đầu mấy ngón tay các em mỏng, chỉ đưa lướt nhẹ qua hàng chữ là các em đọc ký hiệu được rất nhanh, có khi nhanh hơn mình đọc chữ bằng mắt..

Khi từ trên lầu bước xuống từng trệt của ngôi nhà thì gặp các em nữ sinh mù, em này nắm vai em kia, đứng thành hàng. Theo hiệu lệnh, các em ngẩn mặt lên cao, hát bài White Christmas, trong khi bên ngoài trời nắng như đổ lửa và trong bụng tôi đang suy nghĩ chưa biết phải phải quyết những nhu cầu của trường đó ra sao.

Sau bài hát liền nghe tiếng nhạc dương cầm phòng bên cạnh. Nhìn sang thì thấy có cả một ban nhạc chừng mươi em, sử dụng nhiều loại đàn, sáo tôi không nhớ hết. Lại được mời nghe các em trổi nhạc Việt Nam rồi bài nhạc ngoại quốc, tôi nhớ có cả bài Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao,  Les Feuilles Mortes, và bài Paloma. Thật tình mà nói, tôi rất cảm động khi được tiếp đón niềm nở đến như vậy. Chung qui chỉ do một ý muốn tầm thường trong lúc tình cờ đi ngang trường nữ sinh mù mà ra. Và ý muốn đó đã tạo cơ hội cho bao nhiêu người vui mừng, nhưng đến lúc đó, mọi việc đang toàn là ảo!

Tôi đứng lên xin phép cáo từ. Bà giám đốc hỏi xin tôi số điện thoại để tiện liên lạc (Chắc để theo dõi việc tôi giúp giải quyết cho bà được những gì.)

Tôi nói nghiêm chỉnh:” Tôi sẽ cho người liên lạc với bà giám đốc sau.”

Câu nói của tôi có vẽ mơ hồ. Liên lạc sau, nhưng mà là bao giờ mới được.

Do đó mà bà hỏi: “ Bao giờ thì ông trở lại?”

Tôi nói:” Hiện chưa biết. Tôi sẽ cho người đến gặp bà sau.”

Bà mỉm cười rồi đưa tay chào. Tôi cúi đầu, bắt tay chào bà rồi ra đi, không nhìn lại. Năm đó bà còn quá trẻ ở tuổi một vị giám đốc một ngôi trường như thế.

Về đến sở làm, tay tôi chưa hết run vì xúc động.
Ngồi xuống ghế, lấy tờ giấy ghi những nhu cầu cần giải quyết cho trường. Thứ nào cũng ngoài khả năng thực sự của tôi. Nhưng tôi quyết định phải giải giúp đến đâu hay đó. Mình không làm được thì nhờ người khác.
Tôi ghi:

  1. Gặp ông bạn nhà thầu bao cát cho Quân đội Hoa Kỳ ở Sài Gòn xin yểm trợ cho trường mù mỗi em mỗi ngày 1 gói mì ăn liền.
  2. Gặp ông chủ nhà máy kéo sợi ni-lông ở Chợ Lớn xin yểm trợ mỗi em một ổ bánh mì mỗi sáng.
  3. Yêu cầu cố vấn Mỹ yểm trợ kẹo ngọt hiệu Lifesaver's và xà phòng tắm. Kẹo thì theo tiêu chuẩn mỗi em mỗi ngày một ống 10 viên để trưa ngủ dậy các em có kẹo bỏ vào mồm cho khỏi bị sật sừ. Xà phòng thì mỗi em hai mẫu/tháng.
  4. Xin xếp  S. cho ban điện của đơn vị làm lệnh công tác đến trường mù ký nhận máy quạt và tủ lạnh mang về sửa cho chạy được, sơn mới, rồi mang ráp lại chỗ cũ. Thợ điện đến trường với dụng cụ thử hệ thống điện trong nhà. Xuất kho đủ dây điện, bóng đèn thay tất cả những nơi bị hư.
  5. Xin ông bạn bác sĩ bên bệnh viện cung cấp một tủ thuốc dùng cho khoảng 100 em gồm thuốc đau bụng, thuốc cảm, thuốc nhức đầu sổ mũi, thuốc sát trùng, băng keo dán nhưng vết trầy do các em vì không thấy đường nên bị cọ quẹt trong khi di chuyển. Mỗi ba tháng tái kiểm tra và bổ sung nếu cần.
  6. Ban truyền tin của đơn vị tháo điện trì phế thải của các máy PRC-25, lấy ra từng tép điện mỗi tép 4.5 volt, gắn dây vào đề dùng cho các máy ra-diô của các em. Điện trì phải được gói lại, bảo đảm cho người sử dụng không gặp nguy hiểm. Việc cung cấp điện trì loại này được thực hiện thường xuyên, mỗi tháng một lần.

Viết thế xong, đọc lại thấy cần thêm cước chú. Tôi ghi:
Cước chú: Bánh  mì, mì gói, kẹo, xà phòng phải đủ cho các em. Ngoài ra, mỗi người phục dịch cho trường cũng được cấp mỗi người với số lượng như mỗi em vậy.

Tôi gặp người phụ tá của tôi, đưa tờ nhu cầu cho ông ta đọc, hỏi ông có giúp tôi thi hành được không. Ông đọc xong liền gật đầu nói được. Đời tôi có nhiều việc vui. Lần đó tôi cảm thấy rất vui, vui mà không nói cho ai biết.

Chừng hai tuần sau, khi biết mọi nhu cầu sửa chữa đã được thỏa mãn gần 100%, tôi trở lại thăm ngôi trường đó lần thứ hai. Khi đến nơi, tôi không được gặp bà giám đốc vì bà bận đi họp trên Bộ, chỉ gặp một phụ nữ tuổi sồn sồn, mặt bự phấn son, miệng cười cười, có 5 hay 6 người đàn ông và đàn bà đi theo, áo quần lịch sự. Vài người tay cầm máy ảnh. Dường như phái đoàn của bà này đến thăm trường.

Người phụ tá của bà giám đốc vừa dẫn tôi đi xem những gì tôi đã giúp sửa chữa, vừa cám ơn, nói trước đó đã nhiều lần trình lên Bộ những khó khăn của trường mà lúc bấy giờ mới được giải quyết.

Tôi hỏi:” Trước có trình lên bộ xin yểm trợ kẹo, mì gói với bánh mì, xà phòng cho các em dùng hàng ngày hay không?”
Cô ta nói:” Thưa em nhớ như là không. Nhưng lần nầy thì Bộ có can thiệp để cấp những thứ đó cho trường. Tụi em rất mừng và xin cám ơn Bộ đã quan tâm giúp đỡ.”

Tôi tiếp:” Những thứ đó có được gửi đến trường đều không?

Cô phụ tá nói:” Thưa cho đến nay thì thực phẩm được gửi đến rất đều. Sáng sớm nào cũng có bánh mì còn nóng hổi cho các em ăn. Mì gói thì được gửi đến từng đợt, cách nhau 15 ngày. Kẹo với xà phòng do một ông Mỹ mang đến mỗi hai tuần.”

Tôi tiếp:” Cô có dành phần cho bà Giám đốc, cho cô và cho những người giúp việc ở đây hay không?”

Trả lời:” Thưa có. Bà giám đốc có nhận kẹo, mì gói và bánh mì và xà phòng.”

Cô ta tiếp: “Bà có nhận, và mang cả về nhà.”

“Còn cô?”
“Thưa em để dành sau mỗi hai tuần thì mang về cho ba xấp nhỏ và mấy cháu bé dùng.”
“Còn những người khác?”
“Dạ cũng vậy cả.”

Ôi, lòng người phụ nữ Việt Nam! Một trong những niềm vui to lớn nhất của họ là nhường những gì tốt đẹp cho chồng, cho con.

Tôi hỏi tiếp:” Cái bà đang đi trong đoàn ở phía trước nhà là ai vậy”
Cô phụ tá đáp:” Kiều nữ Kim Cương đó, ông không biết sao?”
Tôi nói:” Thế à. Tôi chưa bao giờ gặp bà ta cả.”
Cô hỏi: “Ông có muốn tôi giới thiệu ông cho bà hay không?”
Tôi khoát tay, nói:” Chi vậy? Tôi chỉ muốn biết bà ta có giúp gì cho trường này không mà thôi?”
Trả lời:” Chưa thấy. Hay có mà em chưa được biết.”
Xong cô tiếp:” Tôi nhờ ông cho chúng tôi gửi lời chúng tôi cám ơn đến những Mạnh Thường Quân đã giúp chúng tôi tận tình như vậy.”
Tôi nói:” Cô nên cám ơn các vị thần linh đã khiến họ động tâm mà giúp các em mù là đủ rồi. Họ muốn dấu tên.”

Hai tháng sau, tôi đến thăm lần nữa thì được gặp bà giám đốc. Bà nói  hai việc. Một là sau khi thấy những nhu cầu của trường đã được thỏa mãn, bà muốn biết thật ra tôi là ai. Hai là bà có tin không vui lắm về ngôi trường bà đang cai quản.

Bà nói: “Ông giúp chúng tôi giải quyết được nhiều thứ cho trường. Tôi có hỏi mấy người đến giúp sửa đồ đạc ở đây cho biết ông là ai để tiện xưng hô nhưng tất cả họ chỉ cười mà không trả lời.”

Tôi đành nói:” Tôi là người bà nói có lần bà gặp trên Bộ đó.”
Bà tiếp:” Đúng. Nhưng có gặp mà đâu biết ông là ai.”
“ Mọi việc trên đời gồm một là sự kiện và hai là con người. Ở đây thì sự kiện là quan trọng. Con người là thứ yếu. Mong bà không quá quan tâm.”
Nghe thế, bà cười nói: “Thì ra ông là ‘Người Bí Mật.’”

Việc thứ hai bà cho biết là tin không vui: Chủ nhà làm đơn đòi lại cơ ngơi dùng làm nhà trường. Đơn đã được chấp thuận, và Bộ lệnh phải phải dời trường đến nơi chính phủ cất cho các em trên đường Trần Hoàng Huân, Chợ Lớn, bên cạnh trường dành cho nam sinh mù. Bà giám đốc cho biết trường mới tuy nói là cất xong lâu rồi, nhưng chưa dùng được vì các ống nước bị tháo gỡ, cửa bị mất, một số cây trồng xung quanh bị bứng đi, chặt phá, dây điện cũng không còn, các quạt máy cũng bị mất cả.

Bà lái chiếc xe Citroel 2 ngựa hướng dẫn tôi vào xem tận chỗ. Đến nơi thấy tình trạng ngôi trường mới đúng như  lời bà nói. Nhìn sang ngôi trường bên cạnh, thấy mọi thứ đàng hoàng quá, tiếng nhạc tiếng trống xập xình trỗi lên. Nghe cũng khá hay, nhưng lòng tôi trĩu nặng ưu tư. Lại phải phụ giúp lần nữa.

Tôi hỏi:” Bà giám đốc có biết ai làm hư trường chính phủ cất cho bà hay không?”
Bà nói:” Có lần tôi đến xem, thấy người bên kia trèo tường qua bên này...và ông nay đã thấy tận mắt cảnh hư hao như vậy.”

“Sao bà không ngăn họ? Bà có chụp ảnh làm bằng chứng không?”
“Tôi lúc đó không mang máy ảnh theo. Tôi về làm đơn trình lên Bộ, mà ông không có đọc sao?”
Tôi lặng thinh. Cái tính hiếu kỳ lần đầu của tôi có di hại lâu dài.

Bà tiếp:” Lần sau tôi đến mang máy ảnh theo thì bị xua đuổi. Tôi sợ quá. Bỏ về định tìm ông để xin ông giúp dỡ, nhưng không có địa chỉ của ông thì đành thôi. Mãi đến hôm nay may được gặp ông. Xin ông giúp tôi.”

Tôi gật đầu rồi xin phép từ giã ra về. Bà nhìn tôi với đôi mắt trông cậy.

Nói là ra về nhưng khi chào bà xong, tôi ra cổng, đi vào trường nam sinh mù sát bên cạnh xin gặp ông giám đốc để thăm đồng thời kiểm tra lời nói của bà giám đốc của trường trẻ em nữ sinh mù.

Hôm đó ông Giám đốc trường nam dinh mù không có mặt ở trường. Tôi gặp một người đàn ông mặc quần áo nhà binh, không mang cấp bực, tự xưng là phụ tá của ông giám đốc. Tôi nói tôi thấy ngôi trường khang trang quá, nên xin vào thăm cho biết. Ông ta nghe thế, không nói gì thêm, chỉ cười rồi xin phép quay đi, để tôi được tự do.

Lúc bấy giờ nhìn ra sân trường tôi thấy có năm, sáu con trai lứa tuổi 15, 16, con của nhân viên dân chính phục vụ trường nam sinh mù, đang chạy giỡn với nhau ngoài sân. Nhìn chúng, tôi tin lời bà giám đốc nói với tôi là thật. Mà ông giám đốc trường nam sinh mù có được ai báo cáo gì về cái tệ trạng đã xảy ra ở ngôi trường sát bên trường của ông hay không?

Lời thánh nhân dạy rằng, “ Trước khi nói hay làm việc gì thì phải xét việc đó theo ba bước. Một là việc đó có đúng không. Hai là có tốt không, và ba là nói ra có lợi gì không.” Nếu việc đó chỉ có đúng, tốt mà có hại cho người thì đừng nói. Ngạn ngữ Tây phương cũng có câu:” Khi nghi ngờ thì đừng lên tiếng.” Nghĩ thế nên tôi im lặng ra về.

Hôm sau, tôi tìm dịp gặp riêng ông cố vấn Mỹ của tôi để nói về những khó khăn của ngôi trường đang bị người lạ quấy phá. Nghe đến vấn đề giáo dục, nhất là đối với những trẻ em bị khuyết tật, ông liền tỏ ra thông cảm, yêu cầu hẹn ngày đưa ông ta đến xem tận nơi. Vài hôm sau, tôi đưa ông đến gặp bà giám đốc. Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Mỹ, tôi chỉ đứng nghe, đóng vai trò quan sát viên.

Nghe phần đầu câu chuyện, tôi biết bà đã du học Mỹ quốc nhiều năm, tốt nghiệp trường quản trị cao cấp. Trong khi nói chuyện, bà giám đốc biết tránh hai điều tối kỵ đối với một người nữ: Kiêu căng và lơi lả. Trong khi đó, người Mỹ nào gặp được một phụ nữ Việt Nam trẻ đẹp, có học thức, nói tiếng Mỹ lưu loát thì thường cảm thấy hể hả vô cùng. Ông Trời cho con người gương mặt. Con người tự cho mình cái bộ mặt. Nhìn bộ mặt ông cố vấn lúc bấy giờ, tôi tin sự giúp đỡ sẽ đến, và có thể đến rất nhanh.

Sau đó viên cố vấn Mỹ cho tôi biết ông sẽ giúp sửa chữa lại ngôi trường cho có thể dùng được.

Đầu tiên là ông can thiệp xin Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn cấp ngân khoản để, bấy giờ tôi mới biết, thuê gác-dan ngày đêm canh phòng ngôi trường đó. Thật là chu đáo.

Sau đó thì xin tiền để sửa nhưng nơi bị hư, trang bị lại những gì đã bị tháo gỡ. Sau khi những hư hao được sửa lại xong, ông xin tôi biệt phái 2 xe GMC với tài xế giúp trường chở hết đồ đạc dọn đến nơi mới cho đến khi hoàn tất. Và phước thay, công việc được hoàn thành tốt đẹp.

Thời gian ngắn sau đó, tôi rời Sài Gòn đi nhận nhiệm sở mới ở miền Tây. Mỗi khi có dịp về thủ đô, tôi nhín chút thì giờ ghé qua thăm trường đó, có khi gặp, khi không gặp bà giám đốc. Lần nào tôi cũng nhìn thấy người gác-dan nước da nâu đậm, râu ria rậm rạp, mang cây ma-trắc bên hong, nói tiếng Anh giọng Hindus. Thấy ngôi trường hoạt động bình thường, các nhà Mạnh Thường Quân tiếp tục giúp thực phẩm thì tôi yên lòng.

Bây giờ đã 36 năm qua. Các em nhỏ tuổi nhất lúc bấy giờ, nay phải vào tuổi tứ hoặc ngũ tuần, các em lớn thì phải 60 hay 70. Bà giám đốc thì không biết nay ở đâu, còn nhớ chuyện ngày cũ xa xôi đó hay không? Nhưng hình ảnh các trẻ em mù tự nó còn lưu mãi ở trong tâm trí già cỗi của người mà bà giám đốc có lần gọi đùa là “Người Bí Mật.”

Gọi thế vì một hài nhi khi còn trong bụng mẹ thì sống trong nước; khi được sinh ra thì sống trên đất liền. Trong số những ai chọn sống đời sông nước —những thủy thủ— ít người chịu nhận rằng khi phải ra biển sống một mình với bạn bè, người thủy thủ phải tạo cho riêng mình một không gian ảo để sống với nó trong những giờ khắc mình cảm thấy cô đơn, cần một lời khuyên cũng như một lời an ủi mà không tìm đâu ra được. Người thủy thủ có thể đặt vào cái không gian ảo này những gì mình ưa thích, những người mình yêu thương. Nghĩa là chỉ để vào đó toàn những gì là tốt đẹp.
Thủy thủ trẻ chưa gia đình thì đặt vào đó hình bóng người mẹ của mình, hay bất cứ ai khác mà anh ta cho là bạn hữu. Người thủy thủ có gia đình thì lồng vào đó hình ảnh của vợ, của con. Họ thường xuyên tâm sự, trang trải nỗi lòng, chia xẻ những niềm vui, những nỗi buồn, những lo âu, những nỗi thất vọng với những người trong cái không gian ảo đó, điều mà có khi người ngoài không thể hiểu; cũng như không thể hiểu vì sao người thủy thủ thường rơi nước mắt những khi nhìn trời rất đẹp, và cười một mình trong những khi trên biển xa, anh ta nhìn thấy mưa rơi gió rú ngập bầu trời.

Anh khóc khi nhìn trời đẹp vì muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Thượng đế đã tạo ra cái đẹp rực rỡ trên biển lúc bình minh cũng như vẽ đẹp huyền hoặc lúc hoàng hôn, điều mà người sống trong đất liền rất khó mà thấy được mỗi ngày. Họ cười vì trong cái không gian ảo của họ, họ có được sự thông cảm, sự chia xẻ của những người thân, điều mà không ai khác bên ngoài (cái không gian ảo đó) có thể rộng tay ban phát vô vị lợi.

Trong một xã hội vốn không toàn thiện, một không gian không toàn mỹ và thời gian thì không vĩnh cửu dành cho loài người, cái không gian ảo kia là điều người thủy thủ sống xa gia đình thường rất cần đến.
Và như thế, người thủy thủ thường im lặng vượt thoát được những nỗi cô đơn, những buồn nản, những lo âu, những thất vọng, và cả những tuyệt vọng. Và điều chắc chắn là những người trong cái không gian đó không bao giờ làm gì đến phải mang tiếng phản bội, vì họ đâu có thật.

Trên đời có cách giải quyết đúng, có cách giải quyết sai, ngoài ra còn có cách giải quyết của người thủy thủ, hay của “Người Bí Mật,” người được sinh ra để sống trên đất liền mà lại chọn cuộc đời sông nước. Trong cô đơn, họ  thường tạo ra cái không gian ảo bên cạnh để sống với nó, để chia xẻ những niềm vui hay để âm thầm gậm nhấm những nỗi đau khổ cũng như những nỗi tuyệt vọng của chính mình, để vượt qua cái tốt cũng như cái không tốt mà ai cũng thường gặp trên cuộc đời mình.

Và đến một giai đoạn nào đó trên cuộc đời, sau khi những nỗi thăng trầm đã tạm lắng xuống, đối với một số người, hạnh phúc có đồng nghĩa với từ bi. Và để thể hiện lòng từ bi đó đối với ai đang đau khổ quá sức mà muốn làm điều ruồng dại vi phạm đến an ninh đời sống cá nhân hay tập thể, họ —số “Người Bí Mật” đó— thường tạo ra cái không gian ảo như thế để giúp nạn nhân sống trong ảo giác, trong hi vọng, chờ thời gian chữa lành những  vết thương đau mà trở lại cuộc sống bình thường, lành mạnh. Phần lớn những người tù cải tạo đều có biết cái không gian ảo này, nhờ đó mà họ đã vượt thoát những nỗi tuyệt vọng đã được dành cho họ trong những năm tháng họ biết họ phải sống trong lao tù để chết lần hồi một cách hợp pháp, chết vì bệnh tật, vì tuổi tác. Và sau khi có cơ may vượt thoát rồi, họ mới tin ở khả năng thiết thực của cái không gian ảo đó. Khi gặp những ai cần đến mà chưa biết nó, thì họ lập tức tạo ra cái phương cách chữa lành mầu nhiệm đó ngay.

Rồi bao nhiêu chuyện khác trong đời ba chìm bảy nổi của tôi đã từ lâu trôi đi mất biệt mà hình ảnh của ngôi trường trên đường Nguyễn Trải cũng như ngôi trường trên đường Trần Hoàng Huân vẫn còn như in trong trí, vì tôi đã lỡ đặt nó vào cái không gian ảo thời đó do tôi bày ra cho tôi đeo vào người như đeo cái nghiệp, rồi đi đâu tôi cũng phải kéo chúng theo.

Tiểu Đỉnh