SỐ 40 - THÁNG 10 NĂM 2008

 

Thơ

Lầm
24Vũ Hoàng Thư
Qua công viên
24Di Trương
Đêm Mỹ Tho
21Phạm Hồng Ân
Gió về
18
Trần Việt Bắc
Bắc lưu
18Tử Hà
Bến yêu
18Huỳnh Kim Khanh
Thu
21
DTM - PTP - VHT
Thơ tri kỷ
21Ái Ưu Du
Khi tôi chết
21Hoàng Mai Phi
Đêm trăng tây bắc
24Đỗ Phong Châu
Hoa cỏ
24Tôn Thất Phú Sĩ
Trăng và tôi
21Kim Thành
Time stands still when I look into your eyes
18
Niles Vo
El Sol y La Luna
18Tiểu Châu
Em đến thăm một chiều mong manh
18Vinh Hồ
Oruga Hyakunin Isshu số 2
21
DTM - PTP - VHT
Thơ phiếm bầu cử Hoa Kỳ
21Tú Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Mùa thu và Paris
14
Xuân Phương
Căn nhà sau cửa biển
14Phan Thái Yên
Người tù điên
14Phạm Hồng Ân
Đoàn tụ
14Phan Ngọc Danh
Ban Mê và nỗi nhớ
13
Đỗ Trường
Vọng biển
14
Nguyễn Nhật Cường
Con búp bê tật nguyền
8Cỏ Biển
Nơi chỉ xài bạc cắc
8Tầm Xuân
Mái tóc của Huế xưa
8Trần Hoài Thư
Gió chướng
8Song Thao
Không gian ảo
8Tiểu Đỉnh
Chiếc áo gấm
8Ái Ưu Du
Trách nhiệm và luật pháp
8Đỗ Trường
Trở về
8Đỗ Phong Châu

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
1Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành - Kỳ 13
4Ngô Văn Xuân
Những lời tiên tri về tận thế
4Vinh Hồ

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 27
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (19,20,21)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết (2)
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Hồi kết

1Huỳnh Kim Khanh


 

Mùa thu và Paris

 

Thời tiết, khí hậu tuần hoàn nên một năm có bốn mùa là xuân, hạ, thu, đông. Thiên nhiên, tiêu biểu bằng sự sống của cỏ cây, chịu ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết, theo người xưa thì tiếp diễn trong một chu kỳ sinh hóa là xuân sanh, hạ trưởng, thu liễm và đông tàng, có nghĩa là thảo mộc sanh sôi, bừng sống trong khí xuân ấm áp; tăng trưởng nhanh chóng dưới nắng hè rực rỡ; à thu lại, rút vào khi hơi thu se sắt; cuối cùng là ẩn náu qua cái giá buốt mùa đông; rồi lại xuân để sang một năm mới.

Trong lịch sách của các nền văn minh cổ xưa thì mùa thu là mùa có nhiều lễ hội quan trọng, vì là lúc thu hoạch mùa màng sau một thời gian trồng trọt, trong nền nông nghiệp của loài người. Đầu mùa thu là giai đoạn chuyển tiếp từ thời tiết nóng ấm sang lạnh giá
( nhiệt độ hạ thấp dần đi ở Bắc bán cầu ), là thời điểm mà ban ngày ngắn dần lại, ban đêm dài hơn lên, tức là thời gian có ánh sáng mặt trời ngày càng ít đi.

Cường lực ánh sáng giảm xuống cũng là nguyên nhân gây ra cảm giác ưu tư, pha chút thẫn thờ, tạo nên trạng thái buồn mơ hồ, vô cớ nơi con người. Đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể con người trước sự thay đổi của thời tiết, khí hậu đối với thời gian và không gian. Buồn thu, có lẽ vậy, nặng lòng, buồn vì cảnh vật do tiết thu mang lại.

Chiều se sẽ hương
Vườn se sẽ sương
Đường se sẽ quạnh
Trời se sẽ lạnh
Người se sẽ buồn
– Dương Tường

Cường độ quang kỳ yếu đi vào mùa thu chính là nguyên nhân làm cho phần lớn các loại lá cây đổi màu rồi rơi rụng. Màu ở lá cây do ba sắc tố: Xanh ( chlorophyll ), đỏ ( anthocyanins ) và vàng ( carotenoids ) tạo thành qua quá trình tao đổi chất của các tế bào lá. Trong giai đoạn phát triển vào mùa xuân, mùa hè, sắc tố xanh bao phủ bên ngoài, nên lá có màu xanh. Khi ánh sáng bớt nhiều đi thì quá trình tổng hợp diệp lục tố để tạo năng lượng cho cây sẽ ngưng lại, sắc tố vàng vốn đã chứa sẵn trong mỗi chiếc lá bị che khuất, nay sẽ xuất hiện. Sắc tố đỏ được tạo ra để hỗ trợ việc hấp thụ chất dinh dưỡng của cây từ lá cây, trước khi lá cây bị rụng, do đó một số lá cây có màu đỏ.

Những chiếc lá bay trong không gian
pha vào mùa sắc vàng, sắc đỏ
từng mảng màu rơi xuống hai vai
mùa thu về gọi ai mở cửa
– Trần Mộng Tú

Khi lá bắt đầu vàng, lá sẽ không còn hấp thụ nước và các hợp chất hữu dụng được nữa, để rồi tự mình khô héo, tế bào của cuống lá cũng dần dần suy yếu, cuối cùng đến lúc lá lìa cành, lìa cây. Chỉ cần một cơn gió thu về để đón lá đi, là lá chuyển mình vẫy chào giã biệt, xoay xoay nhiều vòng trong không gian như tặng đời một vũ điệu cuối cùng đẹp nhất, và đáp xuống nhẹ nhàng, ngủ yên thiên thu, rồi mục nát dưới nguồn cội.

Gió dìm lá xuống dưới tầm sâu
Rồi hất tung lên đỉnh ngọn sầu
Hỏi lá quay cuồng trăm hướng gió
Gió về muôn nẻo, lá về đâu?
– Ngô Minh Hằng

“ Những chiếc lá vàng rơi từ trên cái không gian trong vắt, rồi uốn lượn theo những cơn gió mà ta có thể cảm thấy được bằng sự mềm mại như có sóng của khoảng không trước mặt. Từ từ chạm mặt đất, những chiếc lá vàng cứ cuộn tròn thành một khối, lăn đi lăn đi như trẻ con nô đùa, thể như chúng đang chơi cút bắt với những cơn gió nhẹ đang đuổi theo, vờn theo chúng trên mặt đường. Gió là những bà mẹ đuổi theo cái đám trẻ con- lá vàng đang cười rúc rích trên mặt lộ. Những mặt đường uốn cong, tầm nhìn ra phía trước là một không gian cô đọng của một bức tranh, cái khoảng thở duy nhất của bức tranh ấy là bầu trời xanh ngắt mở lộ bên trên những hàng cây. Trong cái không gian ấy, mình có thể nghe tiếng lao xao của lá vàng trên mặt đường, có cái cảm giác là đang chạy theo từng cuộn, từng cuộn lá vàng một, miên man mải miết. Người ta có cái cảm giác là mình đang chạy theo một mùa thu tuyệt đẹp không bao giờ dứt “- Trương Đình Trác

Mùa thu vàng tới là mùa lá vàng rơi
Và lá vàng rơi, khi tình thu vừa khơi
Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi
Nghe chừng đâu đây màu tê tái
– Cung Tiến

Cây nào đổi màu trước lá sẽ rụng sớm. Lá rời cành để bảo toàn cho cây những dòng nhựa sống đến mùa sau. Lá buông mình xuống, hoàn thành sứ mạng của mình – Một chiếc lá rơi kết thúc một đời lá, vài chiếc lá rơi kết thúc vài đời lá … Những đời lá tiếp nối nhau trong một đời cây. Đời lá nằm trong đời cây – Sự luân chuyển từ màu xanh thắm của sự sống cho đến màu úa vàng tàn tạ, để cuối cùng trở về trong lòng đất của lá cây đã đặt cho ta bao câu hỏi về cuộc đời!? Những chiếc lá rơi tưởng chừng bình thường, lại rất vô thường. Đời lá như đời người: Sanh ra, phát triển, thương yêu, hủy diệt rồi trở về cát bụi.

lá rơi theo gió tiển mùa
lục xanh dâu biển hạ đùa ghé ngang
dạo nhân gian rực áo vàng
từ xương lá nét võ vàng mùa đi
– Vũ Hoàng Thư

Sắc lá vàng mùa thu với hàng chục màu khác nhau, từ vàng nhạt, vàng xanh, vàng đỏ, vàng nâu, vàng xám mờ … rụng rơi xuống thảm cỏ hay lòng đường, tạo thành một thảm lá muôn màu vàng, cái màu vàng ray rứt của thi sỹ Bích Khê:

Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông

Người xưa nhìn cây ngô đồng rụng lá mà biết thu về đâu đó “ Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri thu “. Mùa thu là một đề tài truyền thống trong kho tàng văn thơ cổ điển Trung Hoa: Những cảnh trí tiêu điều, lá rơi hoa rụng … Lòng người nhớ người sầu khôn nguôi nên sắc thu nhuốm màu nhân sinh: Là màu vàng lá ngô đồng, là màu đỏ lá cây phong, là màu vàng pha đỏ ly biệt của mùa thu trong câu :” Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san “ của thi hào Nguyễn Du.
Văn, thi sỹ Việt Nam viết văn, làm thơ, từ cổ điển đến cận đại, đều chịu ảnh hưởng nhiều theo khuôn khổ, tính cách ước lệ của văn học Trung Hoa, hơi thở của Đường thi lẩn khuất bên trong, tạo thành những lối mòn quen thuộc, đặc trưng cho thi ca mùa thu.

” Thiên hạ vẫn cứ thấy mùa thu là ở bên Tàu... Mùa thu đồng một quê quán với Tây Thi, nàng Tây Thi quá xưa cho nên quá đẹp, và cũng vì quá xưa cho nên không ai nhớ hình ảnh. Không ai nỡ tưởng tượng nàng Tây Thi với má hồng môi son, mà chỉ cảm nàng Tây Thi chứa ánh mơ hồ không màu sắc, chỉ có êm đềm tuyệt diệu mơ màng, cũng như mùa thu.
Mùa thu là cái gì kín đáo, thanh tao bình dị và xa xôi mênh mang. Nên thu bao giờ cũng xưa, ta thấy như từ thời xưa mà về, và ta cũng thấy như rất thong thả, bình yên, thu ở trên trời mà xuống. Và cả nước Tàu cổ là một mùa thu bát ngát, bằng và rộng như một cảnh hồ không có bờ bến …Nhưng tôi còn thấy thu là mùa yêu... Lòng tôi cũng rạo rực những tiếng thu, ái tình ghé môi gọi lời trong gió... Thu không phải là mùa sầu. Ấy chính là mùa yêu, mùa yêu nhau bằng linh hồn, mùa những linh hồn yêu mến nhau... Trời muốn lạnh nên người ta cần nhau hơn. Và người nào chỉ có một thân, thì cần một người khác. Xuân, người ta vì ấm mà cần tình. Thu, người ta vì lạnh sắp đến mà cũng rất cần đôi “
– Xuân Diệu.

Qua đoạn văn trên của nhà thơ Xuân Diệu, ta thấy càng về sau, từ thời cận đại đến hiện đại, các văn thi sỹ Việt Nam cũng dần dần mang những điều nhận xét của mình, những điều tai nghe, mắt thấy vào thi ca, không còn nhất thiết phải theo các khuôn sáo cũ nữa.

“ Chín mươi chín rưỡi phần trăm nhà thơ Việt Nam đều có làm thơ tình. Thời “ tiền chiến “, Xuân Diệu, và thời sau này, Nguyên Sa, được chú ý và được xem là nhà thơ tình yêu … “ – Nguyễn Đạt

“ Nguyên Sa là một nhà thơ của tình yêu. Điều đó hẳn nhiên. Hơn thế nữa, ông là người mang những địa danh như Paris, Saigon thành thánh địa của thi ca à “ - Nguyễn Mạnh Trinh

” Nhà thơ Nguyên Sa cùng với nhà thơ Cung Trầm Tưởng, từ Pháp trở về Việt Nam, đã đem Paris về cho bọn trẻ chúng tôi. Một Paris với hè phố Saint Michel, với sông Seine, với tháp Eiffel, những cặp tình nhân, giáo đường sương mùa Những năm 60, 70, bọn trẻ chúng tôi dù trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, có ai không mơ một ngày được đặt chân đến Paris, được cùng người yêu dạo chơi phố phường Paris, hay lang thang bên bờ sông Seine nhớ đến một cuộc tình à Paris như một lời kêu gọi, một nơi chốn tìm về cõi tình yêu “ - Ngô Thụy Miên

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một dòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?
à Paris có gì lạ không em?
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen?
– Nguyên Sa

 Thành phố Paris, âm Hán Việt là Ba Lê, thủ đô của nước Pháp. Về địa lý, Paris ra đời ở Ile de la Cité. Về hành chánh, Paris và các vùng ngoại ô xung quanh được gọi là Ile de France. Riêng thành phố Paris cũng là một tỉnh: Tỉnh Paris ( département de Paris ). Cái tên gọi Paris xuất phát từ một bộ lạc là Parisi, thuộc bộ tộc Gaule đã đánh bại đế chế La Mã cai trị họ. Vào thời cai trị của La Mã, Paris được gọi là Lutetia/ Lutèce.
Với tên gọi là Kinh đô ánh sáng ( La ville de Lumiere - City of Light ), Paris ngoài là một địa điểm du lịch, còn là một trung tâm văn hóa và nghệ thuật lớn của thế giới. Nhiều trường phái lớn về hội họa, điêu khắc, văn chương à phát xuất từ đây, nên có rất nhiều nghệ sỹ sáng tác lừng danh đã có một phần đời của họ gắn liền với đời sống Paris. Quan trọng hơn nữa, Paris còn là “ vùng đất hứa “ của nghệ thuật, các tài năng trẻ rất được coi trọng ở đây.

Paris  còn đó không em?
Lạc ngoài vũ trụ trong quên nhớ đời?
Paris buồn, Paris vui
Đâu em biển đợi, hoài tôi sông chờ?
à Paris có đâu ngờ
Qua cơn mông muội đã bờ chia phôi
Paris ủ giữa tim người
Cách chi bôi xóa ngàn lời chung riêng
– Hà Huyền Chi

Paris nổi tiếng hàng đầu thế giới do những công trình kiến trúc hoàn hảo, với phong cách cổ kính và tráng lệ, nhất là ở khu trung tâm thành phố- Không phải chỉ là Paris qua sách vở, báo chí, tranh ảnh. Càng không phải chỉ là Paris dơ, Paris nhốn nháo, Paris đầy “ rệp “ chuyên móc túi, giựt đồ trên métro, xe bus à Đó chỉ là Paris trong đời sống bình thường!

Phải đi hết ngõ ngách, phố xá Paris, ta mới hiểu tại sao thế giới ca tụng vẻ đẹp của thành phố này, vì hầu như ở bất cứ một góc nhỏ, một xó xỉnh nào cũng có một vẻ đẹp khác nhau, mỗi khu phố lại có một tác phẩm nghệ thuật, từ thời này nối tiếp thời kia, mà giá trị thẩm mỹ luôn được khẳng định.

Paris vừa mới hôm qua
Bây giờ đã thành nỗi nhớ
Bước chân gọi thầm góc phố
Chiều thơm hương phấn hẹn hò
– Phạm Ngọc

Nói về Paris bao nhiêu cũng khó mà đầy đủ được, vì đó là một thành phố mà chúng ta có thể tìm thấy ( tùy theo cảm giác, nhận xét của mỗi người ) những vẻ đẹp khác nhau của bốn mùa trong một năm. Đúng vậy, hình ảnh thiên nhiên bốn mùa của khí hậu ôn đới ở Paris luôn làm rung động, bồi hồi, rạo rực, háo hức, xôn xao bao người qua bao thế hệ - Mùa xuân nồng nàn sức sống; Mùa hạ vui tươi rực rỡ; Mùa đông sưởi ấm cho nhau bằng tình người; Và mùa thu, Paris mùa thu chứa đựng nhiều điều muốn nói à

Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
à Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì
…  Mùa thu! Mùa thu
Mây trời âm u
Yêu người độ lượng
Trông em tâm tưởng, giam tù
Mùa thu!… Trời ơi! Tình thu
– Cung Trầm Tưởng

Mùa thu Paris đối với chàng tuổi trẻ Cung Trầm Tưởng lúc đó là Tình thu, như tác giả đã trả lời phỏng vấn của bà Thụy Khuê: “ Tôi có thể nói là tôi yêu Paris vô vàn. Yêu Paris nào? Cảnh vật? Đồng ý. Nhưng còn yêu Paris qua con người. Lúc ấy tôi mới trưởng thành, đầy sự sống, tôi chỉ nhìn thấy tình yêu đôi lứa. Đó là xuất xứ thầm kín nhất, bí mật nhất của Chưa Bao Giờ Buồn Thế, Mùa Thu Paris à Có thế thôi. Nhưng tôi phải diễn tả bằng tiếng Việt. Đấy là xuất xứ của những bài thơ đầu đời, nếu có thể được, của sự nghiệp thi ca của tôi. Và tôi không ngờ rằng nó có những hệ lụy với cả một thời đại. “

Cung Trầm Tưởng và Nguyên Sa là hai thi sỹ Việt Nam đã từng sống ở Paris, làm thơ về Paris bằng tiếng Việt, phần nào đã ghi dấu một thời kỳ, đánh dấu giai đoạn du nhập vào Việt Nam một kích thước mới về văn hóa Pháp, khác hẳn thế hệ đi trước, đem tư tưởng Tây phương về như món quà, tặng cho lớp người sau, gây một ảnh hưởng sâu đậm. Cho nên sau đó dù tâm trạng, hoàn cảnh làm thơ của mỗi người có khác nhau, nhưng mùa thu Paris luôn mang những hình ảnh đặc thù:

Paris buồn giữa mùa thu
Cơn mưa ùa theo hối hả
Tiếng đàn cùng tiếng gió
Thở dài thành những cơn mưa
Em là mùa thu của tôi
Chẳng chờ sao lại đến
Sông Seine buồn quá xa xôi
- Phạm Ngọc

Dọc Seine rơi lá thu về
Lạnh lên cổ áo, vỉa hè cũ, khuya
Hầm Jazz, rượu đỏ đê mê
Phố mưa buốt gạch, bộn bề thời gian
Lắng giai nhân, tóc mượt vàng
Gác cao phòng trọ, âm vang gót giầy
Ngóng nhau hun hút hầm rầy
Sớm, phu quét lá, chăn dầy, quấn xa
Sánh cà phê, giọt đầu mùa
Mùi Paris, giấc ngủ hờ tối qua
Tầu về xóm học bao xa?
Ai về bên đó, rủ ta theo cùng
– Đinh Thế Dũng

Những cảm hứng để làm thơ về Paris nói chung và mùa thu nói riêng là những địa danh như nhà ga Lyon, phi trường Orly, tháp Eiffel, sông Seine, xóm học Latin, vườn Luxembourg... Là những hình ảnh “ hiện sinh “, bình thường trước mặt như ghế đá công viên, ga nhỏ đèn mờ hiu hắt, quán cà phê thưa khách, lá vàng rơi ngập nẻo đường à  Lá vàng rơi là màu của mùa thu, nơi đâu có mùa thu, là nơi đó có lá vàng rơi - Paris mùa thu như khoác lên mình chiếc áo màu vàng. Cả thành phố nhuộm màu vàng vì sắc lá vàng ngập trên những con đường thênh thang, vàng trên những tàn cây cao, và ươm vàng vì màu nắng thu nhè nhẹ, sóng sánh như mật ong.

 “ Paris cũng có lá vàng, nhưng đó là thứ lá vàng vương giả, lá vàng lộng lẫy. Lá vàng khác với lá thu Montreal của tôi. Nhưng mùa thu Paris có cái thần diệu lắm. Nó giật rơi được mọi thứ, cứ gì lá vàng “- Song Thao.

Bởi vì “ Paris là thành phố của nguồn tình mà con người một thuở xa xưa hay con người của vật vã hôm nay đã, đang và sẽ có dịp nuôi dưỡng để rải xuống đời mùi tình ngọt bùi cay đắng từ trái tim đầy phức tạp của nhau... Đến Paris ta thấy được cái huy hoàng của kinh đô ánh sáng à Nhìn dòng sông Seine ta nghe tiếng thơ Nguyên Sa dào dạt trong hồn “ - Uyên Hạnh.

Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Dòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa

Với một đoạn dài chừng 13 km chảy chầm chậm qua trung tâm Paris, dòng sông Seine giống như một dải lụa trắng lấp lánh bạc, chia thành phố này làm hai phần: Phần hữu ngạn phía Bắc là khu vực văn phòng làm việc, nhà máy, các cửa hàng thời trang à  Phần tả ngạn phía Nam, nhỏ hơn, là trung tâm sinh hoạt của giới văn nghệ sỹ và sinh viên. Sông Seine như trái tim của Paris vì hầu hết các công trình kiến trúc trứ danh của thủ đô ánh sáng đều tập trung dọc hai bờ sông.

Hãy đi với em chiều nay
hãy quàng Paris vào cổ gió
em giắt anh ra bờ sông Seine
nhặt những chiếc lá rụng trên lưng chàng homeless
em sẽ viết trên ngực lá một câu thơ
– Trần Mộng Tú

Đã hơn năm năm liên tiếp, chính quyền thành phố Paris cho tạo ra một bãi tắm ở bờ trái sông Seine, trải cát trắng theo chiều dài cỡ 800 m vào mùa hè, trong khoảng một tháng , gọi là Paris Plage. Bên cạnh đó là một hồ bơi nổi mới, nằm trên một sà lan lớn trên sông, phía Đông Paris, được đặt tên theo bà  Josephine Baker, một nghệ sỹ da đen Mỹ, cũng là một nhà hoạt động nhân quyền tích cực.

Nhưng người về đâu, người về đâu
Để nước sông Seine bỡ ngỡ chảy qua cầu
Sao người không là vì sao nhỏ
Để cho tôi nhìn trong đêm thâu
– Nguyên Sa

Dòng sông Seine mùa thu chuyên chở chất thơ cho những cuộc tình. Nước sông Seine mùa thu thấp hơn mặt đường phố chừng vài mét, như xanh hơn vì những tia nắng mùa thu dịu dàng vỡ theo sóng sông tạo thành những ngôi sao nhỏ lấp lánh. Trong khi dòng nước chầm chậm trôi không ngừng, thì dọc bờ đá sông Seine có những chiếc tàu péniche xinh xắn buông neo thành những quán ăn nổi trên sông, bềnh bồng nhẹ theo sóng.

Anh hiểu vàng thu sẽ dậy men
Lá vàng rơi kín mặt sông Seine
Hồn anh sẽ đọng dài trên lá
Để giúp em đan màu áo len
– Vũ Hoàng Chương

“ Hai bên bờ có nhiều hàng cây xanh và con đường giành cho người đi bộ, phong cảnh tuyệt vời như thể thi ca nước Pháp sinh ra từ những buổi chiều dọc con sông này “- Trần Thị Trường.

Bờ sông Seine là bờ sông của đôi lứa. Những cặp tình nhân của Paris từ hàng trăm năm vẫn đến nơi đây. Có khi họ nằm thanh thản nhắm mắt ngũ bên nhau, có khi họ ngồi âu yếm hay quấn quýt bên nhau. Nhìn người ta có đôi, có cặp cũng thấy vui vui …

Có những người ngồi lặng lẽ trên bờ đá sông Seine trong chiều thu tắt nắng, ngắm hoàng hôn tàn tạ dần dần trong sương chiều. Bên phía sông phố xá đã bắt đầu lên đèn, hắt lên từ từ một thứ ánh sáng lung linh sắc màu của Paris về đêm. Gió cũng từ dọc sông Seine thổi lên lành lạnh.

Paris giao mùa thu vàng lên rực rỡ
Trên những hàng cây và mặt nước sông Seine
… Nắng rất nhẹ, gió vừa thay áo mới
Thành phố dịu dàng như trong một giấc mơ
à Anh về ngồi bên kè đá sông Seine
Thả hồn đi theo những con tàu
… Có gì lắng trong từng góc phố
Những nhịp cầu và mỗi một người qua
- Nguoithanglong

Mùa thu là thời gian thích hợp để đi dạo dọc theo sông Seine, thưởng thức vẻ đẹp của mùa lá rụng. Bằng những bước chân lững thững, không vội vã và thanh thản phóng tầm mắt lơ đãng theo những con tàu bateau- mouche từ từ, chậm rãi xuôi dòng hay nhìn những chiếc cầu mờ mờ phía trước.

Những chiếc cầu của sông Seine đều mang đầy huyền thoại của những chuyện tình hợp tan, nồng cháy hay sầu bi à Có biết bao nhiêu là bàn chân để dấu khi qua cầu, mỗi bước chân là một nỗi lòng: Có khi rời rạc, lạc lõng, cô đơn; Có khi đam mê, vương vấn à

Chưa kể các cây cầu đá cong mình vắt qua sông Seine, chỉ 37 cây cầu gạch, trang trí bằng những tượng đá hình đầu các vị thần, hay các thiên thần nối liền tả, hữu ngạn cũng đã là những công trình tiêu biểu cho trình độ kiến trúc mỗi thời đại rồi.

Cầu xưa nhất nhưng tân kỳ nhất là Pont Neuf ( 1604 ); Cầu mới nhất là cầu Simone de Beauvoir ( 2006, dành riêng cho người đi bộ, giữa công viên Bercy, quận 12 và  Thư viện quốc gia, quận 13 ); Cầu đẹp nhất là cầu Alexandre  III ( quận 8, với những hàng trụ đèn đường độc đáo ); Cầu trữ tình nhất là cầu Mirabeau, nhờ bài thơ của Guillaume Apolinaire viết năm 1912.

Em, Paris, vẫn tả ngạn sông Seine
Quán rượu nhỏ, tách cà phê để nguội
Em, Paris, chuyến métro chưa tới
Nghe vàng khô lá rụng Jacques Prevert
Cầu Mirabeau của Apolinaire
Nước lờ lững, bóng thời gian nhòa nhạt
- Hoàng Anh Tuấn

Vừa đi vừa đếm những cây cầu, vừa ngắm nhìn những dây leo đổi màu trên vách tường của những ngôi nhà cổ xưa, những cửa hàng bán sách cũ dọc theo vỉa hè sông Seine à Chân bước vào các khu phố lúc nào không hay! Các con đường ở Paris đi lòng vòng một hồi rồi cũng tới sông Seine.

Đi từ bờ sông Seine, ngược lại đường Cardinal Lemoine, ở khoảng cuối đường Monge là quartier Latin, khu phố được mệnh danh là “ xóm học “.Nếu như đồi Monmartre là khu vực của nghệ sỹ thì quartier Latin là khu vực của sinh viên, tọa lạc tại quận 5 và 6 của Paris, trải dài từ Saint Germain des Près tới vườn Luxembourg. Khu phố này có tên như vậy là vì lúc xưa, từ thời trung cổ, người sống trong khu vực, thường là giáo sư và sinh viên, dùng tiếng Latin để nói chuyện với nhau hàng ngày. Khu phố sinh viên này còn có nhiều tiệm sách, các nhà xuất bản sách, các quán bistro, càfé, các cửa hàng nhỏ, các nhà trọ cho sinh viên à Gần như mọi con đường trong khu đều đổ ra sông Seine.

Paris đếm bước chân em
Trên đường phố Latin
Paris hong tóc em
Quán cà phê Saint Germain
- Văn Tấn Phát

Quartier Latin với trung tâm là đại học “ Paris - Sorbonne “ uy nghi, bền vững qua nhiều thế kỷ, là niềm tự hào của cả nước Pháp. Khu này còn có nhiều trường đại học nổi tiếng như: Đại học Paris II “ Panthéon-Assas “, đại học Paris III “ Sorbonne Nouvelle “, Khuôn viên đại học Jussieu ( gồm đại học Paris VI và đại học Paris VII ) à Nhiều “ Grandes Écoles” như: École Nationale Supérieure Des Mines de Paris ( Trường Hầm mỏ Paris ),  École Normale Supérieure (Trường Sư phạm ), École Nationale Supérieure Des Beaux Arts ( Trường Mỹ thuật quốc gia ) à Nhiều trường trung học lịch sử như:  Louis- le- Grand, Henri- IV, Saint - Louis, Lavoisier, Fénélonà Và còn rất nhiều thư viện chuyên ngành về văn chương, triết học, lịch sử, chính trị, thi ca à

Quartier Latin là nơi giành cho tất cả sinh viên trên thế giới không phân biệt chủng tộc, màu da à với những điều kiện sinh hoạt về vật chất thuận lợi, về tinh thần phong phú và đa dạng. 

Dù đêm nay tôi vẫn làm thơ
Dặn những người con gái nhỏ đi về
Trên hè phố Saint Michel
Gò má đỏ hồng bánh graffen
Để những hạt đường rơi trên má
Lau vội làm gì cho có duyên
– Nguyên Sa

Quartier Latin còn nổi tiếng với Place Saint Michel hay là  Fontaine St. Michel, théatre Odéon, nhà thờ Đức Bà và đường Mouffetard ở gần đó là khu phố xưa và linh động nhất. Mặt đường lát những viên đá đen nhẵn bóng từng phiến vì đã tồn tại qua hàng trăm năm, ngày xưa là đường cho xe ngựa đi. Người ta nói quartier Latin là nơi mà quanh năm, suốt tháng đều là lễ, hội.

Có một địa điểm ưa thích của giới sinh viên, dân xóm học nói riêng, dân Paris nói chung và thu hút luôn cả du khách trên thế giới, đó là vườn Luxembourg ( Lục Xâm Bảo ), biệt danh là Luco.

Nghe chơi vơi não nề
Qua vườn Luxembourg
Sương rơi che phố mờ
Buồn này ai có mua
– Phạm Trọng

Luxembourg là khu vườn tư nhân, nhưng mở cửa cho mọi người, là một tập hợp các khu vườn với các phong cách khác nhau, được lập ra năm 1612, dưới thời hoàng hậu Marie de Médicis. Vườn có diện tích 224.500m2, bao quanh bởi những hàng rào sắt có mũi nhọn mạ vàng. Bên trong vườn có nhiều tòa nhà: Cung điện Luxembourg là trụ sở của Thượng nghị viện, viện bảo tàng Luxembourg à Có nhiều tượng bằng đồng, bằng thạch cao với các dáng điệu, kiểu cách khác nhau đặt trên các lối đi, đặc biệt là một bức tượng của văn sỹ Anatole France bằng đồng đen dựng trong lâu đài Luxembourg. Nổi tiếng của vườn Luxembourg là một con đường, hai bên nó sừng sững những cây hạt dẻ cao vút, um tùm tàn lá che mát. Đó là con đường hàng cây của các thi nhân. Dưới bóng những hàng cây hạt dẻ này, có không biết là bao nhiêu thi sỹ của các thế hệ trước, đã đến đây tản bộ tìm ý, tìm vần thơ.

Cây hạt dẻ: Chataignier/ Chesnut, tiếng Tàu gọi là cây lật. Cây to, lá to, tàn rậm, cao chừng 20- 25 m. Trái nhỏ bằng trái cau, có gai; Tới cuối thu thì vỏ khô, nứt, hạt bay ra đầy gốc cây. Hạt dẻ nướng ăn rất ngon.  Mùa lạnh này thường có những người bán hạt dẻ rang bằng cát, bỏ vào từng túi giấy nhỏ trên đường phố Paris.

Paris chiều nay gió
Hãy đi với em vào vườn Luxembourg
Cho em đọc lại bài văn mơ mộng
Nỗi ước ao đường chân trời mở rộng
Đi nửa vòng đã rơi mất tuổi thơ
– Trần Mộng Tú

Ngoài vườn Luxembourg nằm ngay giữa trung tâm thành phố, Paris có khoảng 400 công viên dạo mát và hơn 100 vườn hoa nhỏ trang trí ngã tư, đường phố, chưa kể mấy trăm con đường có những hàng cây được trồng từ lâu đời để che bóng mát và những khu rừng bao quanh thành phố.

Mỗi công viên ở Paris có một lịch sử riêng, một kiểu cách riêng, nhưng nói chung, công viên kiểu Pháp thì không thể lẫn vào đâu được với những hình kỷ hà, lối đi, vườn hoa à Một số công viên nổi tiếng ở Paris là: vườn Tuileries, công viên Montsouris, Buttes Chaumont, Saint Cloud, vườn hoa hồng Bagatelle, rừng Boulogne, rừng Vincennes à

Công viên là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của người Tây phương. Xưa kia, công viên là những khu vườn dạo mát riêng của vua chúa, giới quý tộc mà thôi. Nay công viên là nơi vui chơi, giải trí, nghĩ ngơià quanh năm của đủ mọi lứa tuổi. Từ trẻ sơ sinh nằm trong xe, được cha mẹ đẩy tới đẩy lui hít thở khí trời; Những người đi xe đạp, chạy bộ vận động; Những người dắt chó đi dạo; Những người có tuổi thì cho chim, cho vịt, cho sóc ăn những mẫu bánh mì vụn; Hay là các ông già ngồi đọc báo, các cặp tình nhân đang hôn nhau say đắm, các người ngồi lơ tơ mơ ngắm trời đất, nhìn người đi qua, kẻ đi lại.

Đi đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Để anh được làm thi sỹ …
- Thanh Tâm Tuyền

Có người nói cái hồn của vườn Luxembourg nằm trong chính những người du khách tuy xa lạ nhưng thân thiện, tới đây nghĩ chân, ngắm cảnh. Có thời gian để thả bộ qua công viên sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng biết bao trong một không gian mát mẻ, yên lặng. Ta có thể dừng lại ở một góc vườn, ngồi trên những chiếc ghế nhỏ, hay dừng bước trên những băng ghế gỗ đã sứt mẻ, còn dấu khắc nguệch ngoạc của các cặp tình nhân đã từng ghé qua nơi đây.

Vườn Luxembourg mùa thu đẹp hơn bao giờ hết, nắng vẫn hanh hanh nhè nhẹ xuyên qua qua những tàn lá đã ngả màu, làm màu lá vàng tươi, soi bóng xuống mặt nước hồ. Ngồi thư thái trên băng ghế dài yên lặng nhìn mọi người qua lại, tiếng chân họ lạo xạo trên nền sỏi vụn, tiếng chim ríu rítà Đâu đó những đôi trai gái ngồi tình tự. Gió thu lang thang khiến cành cây xào xạc, làm từng chiếc lá rụng, rồi rơi tà tà trên  bờ vai trần của những bức tượng dưới hàng cây trong vườn. Mùa thu là lúc vườn Luxembourg nhẹ nhàng, chan chứa bao hình ảnh, bao kỷ niệm không thể nhạt phai:

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
– Cung Trầm Tưởng

Những kỷ niệm khó quên của thi sỹ Cung Trầm Tưởng không chỉ là những lúc ngồi quen ghế đá trong vườn Lục Xâm Bảo, không có em để lạnh buốt tâm can; Mà còn là những giờ ngón đợi em kiên nhẫn đếm từng giây phút; Cũng có những dịp sang phòng trọ của anh đôi gót nhỏ thầm thì hay những khi hẹn nhau nơi quán nhỏ, để màu rượu chát đỏ rưng rưng, sóng sánh tràn ly.

Paris cuối mùa thu hay mùa đông về đêm trời lạnh giá, nhất là những lúc tuyết sắp rơi, ấm áp biết bao nhiêu khi ngồi trong các quán cà phê quen thuộc ( quán cà phê thường có quầy bán đủ loại rượu ), bên cạnh lò sưởi đỏ hồng, cầm xoay xoay trong lòng tay một ly “ vin chaud “ ( mulled wine ) - Vin chaud là một thức uống đặc biệt của dân xứ lạnh, bên cạnh càfé, chocolat chaud à Vin chaud thường được pha chế bằng rượu vang đỏ, không cần thứ mắc tiền, hâm nóng nhưng không để cho sôi. Bỏ thêm đường; Gia vị như quế, hồi; Trái cây như nho khô, hạnh nhân hay cam.

Chợt xa xa tòa tháp cao rực sáng
Tháp Eiffel choàng chiếc áo kim cương
Lộng lẫy huy hoàng trong bóng đêm thầm lắng
Diệu kì kiêu sa như vương miện đế vương
...Đêm Paris trong hồn tôi êm ái
Như nụ hôn thấm vị ngọt tình yêu
– Châu Loan Phạm

Chỉ lúc Paris về đêm mới lột tả hết vẻ đẹp của thành phố được mệnh danh là Kinh đô Ánh Sáng. Thành phố bừng lên với muôn vàn đèn xe rực rỡ di chuyển trên đường; Đèn của cửa tiệm, nhà hàng sáng trưng và lung linh sao nhấp nháy trên trời.

Buổi tối ở Paris giành cho các buổi hòa nhạc, sân khấu kịch, opera à Các cabaret, các hộp đêm thâu đêm ngập khói thuốc và âm nhạc, chúng ta đã từng nghe tới tên của Moulin Rouge, Lido, Les Folies's Pigalle à Tuy có nhiều khu phố giành cho du khách, nhưng cũng còn những khu còn mang đậm nét của dân Paris là khu Montparnasse nhẹ nhàng, lịch sự, đầy tính nghệ sỹ; Khu Odéon với không khí trẻ trung, vui vẻ hay khu Bastille sôi động của giới trẻ.

Cuộc sống của thị dân Paris ngày cũng như đêm, lúc nào cũng hối hả, quay cuồng đến chóng mặt như các thành phố lớn khác trên thế giới. Đường phố lúc nào cũng đông đúc, ồn ào với xe cộ kẹt cứng, với những dòng người ngược xuôi, với du khách tấp nập. Nhất là đi xuống các hầm métro ta mới thấy rõ nhịp sống không bao giờ ngơi nghỉ của dân Parisienne: Những người đàn dạo, hát rong tài tử; Những tuyến đường chằng chịt; Những trạm métro mang tên các danh nhân, các địa danh nổi tiếng à Những bước chân hối hả; Tiếng tàu thắng rít trên đường ray, tiếng đóng, mở cửa tàu; Tiếng đoàn tàu tiếp tục chuyển bánh à Paris sâu lắng trong từng tấc đất, mỗi bước chân là một khám phá.

Dù đêm nay những người yêu nhỏ vẫn đi về
vẫn đôi mắt nhìn lơi lả hở khuy
cặp môi nghiêng trong một cánh tay ghì
mỗi chuyến métro qua vời vợi
dòng sông Seine cười ngoảnh mặt đi
- Nguyên Sa

Người ta lại nói Paris là thành phố của những người yêu nhau cùng tìm đến ( Còn city of Love là Venice / Venise / Venezia ). Khó có thể nói đến Paris mà không nhắc gì đến tình yêu khi mùa thu đã về đâu đó! Vì mùa thu cũng là mùa của tình yêu. Tình yêu và mùa thu có một sự giao cảm kỳ lạ. Từng khoảnh khắc mùa thu rồi sẽ trôi qua, nhưng trên mỗi bước đi của mùa thu, Paris trong ngăn kỷ niệm vẫn ấp ủ một thời chung bóng của Kim Thành / Người sương phụ làm thơ:

Anh
Em đã trở lại Paris
Thiếu mất người tình si
Anh bây giờ đâu đó
Đầu ngõ hay chân mây

Thi sỹ Nhất Tuấn tới Paris với tâm trạng và cảm xúc của kẻ thất thế. Mộng tan, danh không thành, thất bại cả trên tình trường lẫn sự nghiệp. Mùa thu Paris chỉ làm cho ông nhớ tới quê hương, là mối hoài niệm gắn liền với miền Nam hoa gấm một thời “ - ( Gìn vàng giữ ngọc )

Thu Paris, trời mù nhớ Dalat
Chiều tàn phai theo nhịp bánh metro
Tìm kỷ niệm của cuộc tình đã mất
Những lời yêu... tan vào cõi hư vô

Tình yêu bắt đầu thì nồng nàn, thiết tha, xanh tươi như lá mới mùa xuân để đến thu sang thì tan tác, tàn tạ, rụng rơi như lá vàng. Thời gian ra đi không trở lại, lúc nào cũng sẵn sàng để bào mòn, xóa nhòa ký ức, chỉ có lòng người muốn trở lại vượt thời gian, chỉ có lòng người muốn nhớ thì chẳng thể nào quên được. Thời gian có khi vô hình, vô hạn, nhưng cũng có khi là thước đo hữu hình, hữu hạn. Ý thức về thời gian sẽ rõ ràng hơn theo từng năm tháng, từng bốn mùa của cuộc đời.

Paris vàng lá rồi sao ?
Lối xưa em cũng lẫn vào thời gian
– Hoàng Bích Đào

Mùa thu trong bốn mùa là lúc vạn vật se sắt. Mùa thu trong đời người là giai đoạn để suy tư và chiêm nghiệm bản thân. Mùa thu của mỗi chúng ta là thời điểm mà quá khứ đã bắt đầu dài hơn tương lai, tâm tư đã trở thành nơi chốn của hoài niệm, luyến tiếc, nhớ nhung những gì đã qua. Mùa thu đi vào quỹ đạo thời gian một cách nhẹ nhàng, lặng lẽ. Con đường mùa thu lúc này không trải dài theo thời gian hay không gian mà trải dài theo những nỗi nhớ, những tâm sự riêng của mỗi người.

Tóc của ai kia giờ đã điểm sương, trẻ con giờ đã khôn lớn để cho những gặp gỡ, thề thốt, giao ước rồi chia tay, dang dở, có duyên không nợ chỉ còn là kỷ niệm. Cho đến một lúc nào đó, những hạnh phúc của một thời, những đớn đau của một đời khi nhìn lại, đã chậm rãi, thong thả rơi như một chiếc lá vàng phai sắc khi thu vừa chớm.
Lá rụng ngập cả lối đi, rồi mục ruỗng từ từ. Những chiếc lá vàng rồi sẽ chìm dần vào quên lãng. Người ta dễ dàng không nhớ vẻ đẹp của lá trên cành ngày xưa.

tìm nhau chưa gặp, hạ tàn
chào xanh lá gởi theo vàng mùa qua
vừa trông xám lại quanh nhà
em về từng nỗi trong ta nhuộm màu
– Vũ Hoàng Thư

“ Cái khoảnh khắc cuống lá rời khỏi thân mẹ dài như một đời người. Trong gió heo may, chiếc lá như một con tạo vần xoay đủ để ai đó hình dung những lê khổ đã trải qua của cuộc đời này. Lá rụng để cho nhân gian biết rằng đã có những ngày lá xanh, đã từng có cái đẹp đi đến ngày cuối cùng từ chiếc lá rụng đầu tiên … “ – Nguyễn Xuân Hoàng

Có những chiếc lá rơi đầu tiên thì sẽ có những chiếc lá cuối cùng, lá rụng hết thì mùa thu cũng không còn, sau khi đã báo hiệu cho vạn vật sửa soạn, sẵn sàng cho mùa đông sắp tới. Mùa thu năm nào rồi cũng đến báo hiệu một năm nữa rồi sẽ qua. Trên những con đường, những hàng cây đứng tuổi, qua bao đời, qua bao mùa thu đến và đi đã không còn bất ngờ với sấm chớp, bảo giông như đến một tuổi nào đó: bốn mươi, năm mươi... Người ta thực tế hơn, chấp nhận mình là mình, vỡ lẽ ra đời mình là những quán không để mà tri thiên mệnh.

Về đây tôi gặp lại mùa
Thu nghìn thu cũ về lùa nắng trong
Thu về bằng lối rêu phong
Bánh xe diệu nghệ khép vòng thời niên
- Cung Trầm Tưởng

“Paris: một mệnh phụ chưa về chiều, nhưng đã qua tuổi mùa thu, không còn nóng bỏng... Mùa thu ở đâu cũng thế, đó là mùa trở về. Lá trở về cội và con người trở lại với chính mình “- Trần Kiêm Đoàn

Tôi lại trở về thăm Paris, và lần này là mùa thu. Paris vào thu, cũng là lúc tuổi mình vào thu, để không còn mơ hồ, mà đã hiểu ra rằng Paris qua hàng mấy ngàn năm, có thể là qua muôn đời vẫn còn tồn tại, cho dù những mùa thu xưa có khác những mùa thu nay, và không giống những mùa thu tới - Những mùa thu xưa của Paul Verlaine, Alphonse de Lamartine hay Guillaume Apolinaire bâng khuâng cho mùa thu chết, Jacques Prévert trong công viên Montsouris và Anatole France dạo trên thảm lá vàng của vườn Luxembourg ... Những tác phẩm tuyệt vời của thiên nhiên đã, đang và sẽ làm rung động tâm hồn của biết bao thế hệ - Còn con người quá nửa đời đã  “ có tuổi “, đã già theo tuổi, nhìn lại quãng đường mình đã qua, dù hài lòng hay không cũng là lúc đi xuống núi, để rồi đến lúc sẽ ra đi như chiếc lá vàng lìa cành, lìa cây, về cội, kết thúc một đời người. Đời người như đời lá. Vẫn vô vàn lá mới sinh ra. Biết bao đời lá tiếp nối trong một đời cây. Sự chuyển giao của những thế hệ. Biết bao đời người tiếp nối trong vòng sinh diệt của tạo hóa, cho sự sống, cuộc sống cứ tiếp tục sinh sôi, để một buổi sáng nào đó tỉnh dậy, tôi có thể nói: “ Bonjour Paris “, tôi có thể cảm nhận rằng :” Toi Paris! Tu m'as pris dans tes bras” - ( Enrico Macias ), để những ấn  tượng đẹp đẽ, những kỷ niệm sâu đậm về thành phố này luôn được giữ mãi trong lòng. 

Xuân Phương

-------------------------------------------
Nguồn tham khảo :

Trường ca – Xuân Diệu
Hồn lá- Nguyễn Xuân Hoàng /netcodo
Lá thu- Song Thao/songthao.com
Thu thi cảm /luongsonbac.com
Nói chuyện với nhà thơ Cung Trầm Tưởng - Thụy Khuê / luongsonbac.com
Nhà thơ nói về thơ tình: Nguyễn Đạt- Trần Nhuệ Tâm  /tienve.org
Nguyên Sa và tình ca Ngô Thụy Miên - NTM / dactrung.com
Nói về thơ, Nguyên Sa - Nguyễn Mạnh Trinh / viet.no
Paris, thành phố một lần phiêu lãng - NguoiThangLong /hanoicorner.com
Lời giới thiệu Paris của Uyên Hạnh / khoahoc.net
Bách khoa toàn thư mở / wikipedia.org