SỐ 40 - THÁNG 10 NĂM 2008

 

Thơ

Lầm
24Vũ Hoàng Thư
Qua công viên
24Di Trương
Đêm Mỹ Tho
21Phạm Hồng Ân
Gió về
18
Trần Việt Bắc
Bắc lưu
18Tử Hà
Bến yêu
18Huỳnh Kim Khanh
Thu
21
DTM - PTP - VHT
Thơ tri kỷ
21Ái Ưu Du
Khi tôi chết
21Hoàng Mai Phi
Đêm trăng tây bắc
24Đỗ Phong Châu
Hoa cỏ
24Tôn Thất Phú Sĩ
Trăng và tôi
21Kim Thành
Time stands still when I look into your eyes
18
Niles Vo
El Sol y La Luna
18Tiểu Châu
Em đến thăm một chiều mong manh
18Vinh Hồ
Oruga Hyakunin Isshu số 2
21
DTM - PTP - VHT
Thơ phiếm bầu cử Hoa Kỳ
21Tú Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Mùa thu và Paris
14
Xuân Phương
Căn nhà sau cửa biển
14Phan Thái Yên
Người tù điên
14Phạm Hồng Ân
Đoàn tụ
14Phan Ngọc Danh
Ban Mê và nỗi nhớ
13
Đỗ Trường
Vọng biển
14
Nguyễn Nhật Cường
Con búp bê tật nguyền
8Cỏ Biển
Nơi chỉ xài bạc cắc
8Tầm Xuân
Mái tóc của Huế xưa
8Trần Hoài Thư
Gió chướng
8Song Thao
Không gian ảo
8Tiểu Đỉnh
Chiếc áo gấm
8Ái Ưu Du
Trách nhiệm và luật pháp
8Đỗ Trường
Trở về
8Đỗ Phong Châu

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
1Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành - Kỳ 13
4Ngô Văn Xuân
Những lời tiên tri về tận thế
4Vinh Hồ

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 27
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (19,20,21)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết (2)
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Hồi kết

1Huỳnh Kim Khanh


 

Thơ Vinh Hồ

 

EM ĐẾN THĂM MỘT CHIỀU MONG MANH

Em đến thăm một chiều cuối năm
Người tù co ro trong trại cải tạo
Nhìn em bằng đôi mắt buồn tênh
Người vệ binh cầm AK đứng lại

Em đến thăm một chiều cuối năm
Người tù đón em đôi môi khô héo
Con đường số 10 mịt mù xa xăm
Đã đưa em về rừng đồi biên giới

Đã đưa em về đau thương đày ải
Bằng tình yêu mầu nhiệm thủy chung
Khổ nhục ba năm một lần giở lại
Sao nước mắt người cứ chảy rưng rưng?

Em đến thăm một chiều cuối năm
Vì yêu người tù đời em khốn khổ
Sống lưu lạc nơi quê người đất đỏ
Nhưng tâm hồn sáng tỏ tựa trăng sao

Năm hai mươi tuổi em đi lấy chồng
Chiến tranh cướp mất bao nhiêu hạnh phúc
Chồng em bao năm xa ngoài chiến trường
Đời em bao năm chia lìa mất mát

Năm hăm lăm tuổi hòa bình trở về!
Hàng triệu gia đình sinh ly đồ thán
Nhưng chồng em vẫn chưa trở về
Vì cuộc đời còn nhiều dâu bể

Có nỗi khổ nào hơn sự đợi chờ
Có nỗi đau nào bằng đời tù tội
Vì chiến tranh em sống kiếp vọng phu
Vì hòa bình em ra người góa phụ

Ngày xưa nàng Vọng Phu hóa đá
Ngồi trên núi ôm con đợi chờ
Nay em một mình như chiếc lá
Giữa dòng đời tăm tối bơ vơ

Em đến thăm một chiều cuối năm
Nằm bên người tù trong đêm lặng lẽ
Nghìn nỗi nhớ thương mắt em nhòa lệ
Giao thừa trôi qua như lời giã từ

Ngày xanh trôi qua như tiếng thở dài
Những năm còn lại đời em lỡ dở
Những năm còn lại dày vò chối bỏ
Sao kiếp người toàn sầu khổ ngăn chia?

Em ơi em sinh ra để làm gì?
Em lớn khôn trẻ đẹp để làm gì?
Nếu đời là vạn ngày sầu hận
Xin cho ta quỳ mãi bên chân

Xin cho ta ghép kín đôi tim
Xin cho ta đốt cháy môi hôn
Để lòng em vơi đi niềm khổ lụy
Và hồn ta được khóc giữa ăn năn

Ba năm qua ta là người tù binh
Chỉ vì muốn bảo vệ quê hương mình
Chỉ vì không thể bỏ anh em mình
Nên bị ném vào tầng sâu địa ngục

Ba năm qua ta trợn trừng tủi nhục
Vì dối lừa đã đánh đĩ niềm tin
Vì hận thù đã pha tối trái tim
Vì tham vọng đã chung thân sự sống

Ba năm qua ta quại quằn ân hận
Bởi vì ta em nát đứt tương lai
Bởi vì ta em thân gái lạc loài
Mà bốn phía là chập chùng bất hạnh

Buổi chiều trốn trong khu rừng giá lạnh
Mặc tình cho muỗi, vắt với mưa nguồn
Nằm bên người tình để rõ mình hơn
Để nhìn thấy nhân  quyền bị tước đoạt

Con chim còn có tự do ca hát
Con thú còn có tự do yêu nhau
Người tù nhìn em cõi lòng tan nát
Giọt lệ nào nhỏ xuống tim nhau

Em đến thăm một chiều mong manh
Nhưng tình em vời vợi ngàn năm
Lòng ta chỉ sợ chưa tinh khiết
Thờ phượng em yêu trọn cõi trần!

(Trại cải tạo Bù Gia Phúc, 1978)


LỜI THẦM CẦU TRONG TRẠI

Ma-thi-ơ  8:25-26:
“Các môn-đồ đến gần, đánh thức Ngài, mà thưa rằng:
Lạy Chúa xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết!
Ngài phán rằng:
Hỡi kẻ ít đức-tin kia, cớ sao các ngươi sợ?
Ngài bèn đứng dậy, quở gió và biển; thì liền yên-lặng như tờ.”

Gởi ông Đạo Khiết

Từ ngày ông trốn trại
về nương náu Sài Gòn
không bạc tiền hộ khẩu
sống lén lút cô đơn
giữa quê hương yêu dấu

Từ ngày ông trốn trại
nỗi sầu thương ái ngại
đến vây chặt giấc mơ
súng liên thanh chát chúa
tiếng người chạy búa xua...

Quân chó săn lùng đuổi
cấu xé xác thân người
nắm xương tàn quỵ ngã
máu đổ trên đường về
đỏ thẫm rừng quê mẹ

Khi tỉnh giấc ác mơ
mồ hôi tôi lạnh toát
thần trí bỗng thẫn thờ
tôi thầm cầu Phật, Chúa
cứu giúp người sa cơ

Từ ngày ông trốn trại
nhà tù thêm công an
trại tù thêm bót gác
hồn tôi như bóng đêm
treo trên cây thập ác

Đêm nay muỗi thèm thịt
lồ ô muốn cắt xương
con tắc kè gọi ngặt...
tôi vẫn nhớ đến ông
nửa đêm ngồi Thiền trược

Năm năm trôi mỏi mòn...
tôi như xác không hồn
trên nấm mồ nhân bản
ông như nắm xương tàn
trên vũng lầy nhân phẩm

Ông còn người vợ trẻ
không nuôi nổi hai con
tôi còn cha còn mẹ
như người chết chửa chôn
giữa đóm buồn nhân thế

Năm năm trời cay đắng
ông khuyên tôi ráng sống
tôi khuyên ông gắng chờ
miếng cơm cháy bẻ nửa
tháng năm dài xé đôi

Ông từ chối lao động
tôi phủ nhận phá rừng
làm Vua Lười/ Khai bệnh
sáng hái gấm bên sông
chiều nhặt giang, ông hát...

Chuyển trại về Xuyên Mộc
xe xuyên qua rừng già
trại hàng hàng bất động
cửa đóng như nhà ma
bóng đêm hờm xác chết

Giữa trại tù vô đạo
một ngày như mọi ngày
Giữa khu rừng đày ải
một ngày khác mọi ngày
khi tù nhân trốn trại

Từ ngày ông trốn trại
về nương náu Sài Gòn
Sài Gòn giờ đổi tên
Sài Gòn giờ xa lạ
trong nỗi buồn mông mênh

Từ ngày ông trốn trại
về nương náu Sài Gòn
Sài Gòn giờ nước mắt
Sài Gòn giờ bóng ma
trong ngục tù bao la

Ông đem nắm xương tàn
đổi hai chữ Tự Do
nhưng đời còn bể khổ
ra khỏi nhà tù nhỏ
là vào nhà tù to

Những đêm dài thao thức
lòng chất đầy u uất
đốt nghìn ngọn ưu phiền
thầm cầu ông sáng suốt
hãy tìm đường vượt biên

Đêm nay lòng âu lo
tôi cầu Trời khẩn Phật
thu sóng cả gió to
cho thuyền nhân vượt thoát
đến bến bờ Tự Do.

Trại cải tạo Xuyên Mộc, 1980


ÔNG ĐẠO KHIẾT

Gởi anh Vũ Văn Khiết

1.
Ông Đạo Khiết
Biết đâu những dòng này lại chẳng đến tay ông
Ở đâu đó nơi tận cùng trái đất?
Ôi mười tám năm!
Bặt vô âm tín
Những ngày vào Sài Gòn phỏng vấn
Tôi có đến chợ Xóm Chiếu tìm
Những ngày sang Mỹ tạm cư
Tôi có đến các điểm hội họp của đồng hương tìm
Nhưng nào có thấy
Ông đã đi đâu, về đâu?

2.
Ông còn nhớ?
Đêm nào nơi quán nước đường Mai Văn Ngọc
Ly cà phê gọi không kịp uống
Chuyện đời tù nói chưa được nhiều
Ông lại vội vã chia tay

Quê tôi miền Trung nghèo khó
Núi đồi ăn lan tận biển
Đất đai cằn khô không nuôi nổi người
Nhưng tôi phải về
Vì Giấy Ra Trại của tôi đề:
Quản chế sáu tháng tại địa phương

Còn ông, quê Sài Gòn
Bên kia cầu Khánh Hội
Nơi vợ ông buôn thúng bán bưng
Không nuôi nổi ba đứa con nhỏ
Nơi những căn nhà ổ chuột tối tăm
Nơi những con hẻm rác rưởi tồi tàn
Ông phải sống đói khát, cực khổ, lo sợ
Còn hơn hồi ở trại tập trung
Ông phải trốn chui, trốn nhủi như giun dế
Và hoài nghi tất cả mọi người
Nhưng ông phải về
Vì không có hộ tịch hộ khẩu

Ông Đạo Khiết
Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông
Nhưng đêm sao mà buồn!
Quán nghèo phải thắp thêm bóng đèn hột vịt
Con đường dài không đủ ánh sáng cho khách bộ
hành
Bóng đêm di động trên đường rầy xe lửa
Như có ai theo dõi, rình mò
Thành phố chết vào lúc mười giờ
Thành phố đổi tên
Tôi tiễn ông
Như tiễn một bóng ma
Về nơi không có thật

3.
Ông Đạo Khiết
Tôi quen ông
Ở trại Bù Gia Phúc
Hai bạn tù, một cảnh khốn cùng
Dù không phải là linh mục, đại đức
Ông cũng trường trai khổ hạnh
Đời sống kham khổ của muôn đời sống kham khổ
Những món ngon: cá khô, nước mắm hai lần mỗi
tuần
Những món quý: thịt lợn, khoai mỡ các ngày lễ lớn
Ông đều trút hết cho tôi
Những năm về sau, ông càng khốn đốn
Vì nguồn tiếp tế ở ngoài cạn dần
Nhưng ông vẫn giữ một mực như cũ
Tôi không nghĩ  rằng ông muốn bắt chước
Anh hùng Nguyễn Tri Phương
Trại Bù Gia Phúc, Phước Long
Bộ đội quản lý
Ông nổi tiếng Vua Chai Lười
Còn tôi, Vua Khai Bệnh
Chúng ta gặp nhau
Trong các buổi kiểm điểm, tự kiểm điểm
Trong các lời đe dọa, xỉ vả, kể cả chĩa súng vào
người
Chúng ta đã bị tước đoạt vũ khí
Chúng ta đã bị tước đoạt quyền sống/ nhân phẩm
Chúng ta chỉ còn một thứ vũ khí duy nhất đó
Để giữ lấy lương tâm
Ông nói như vậy

4.
Ông Đạo Khiết
Tôi con nhà nông
Đủ cha, đủ mẹ, đủ anh, đủ em
Nhưng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc
Học hành dang dở
Vào lính rồi vào tù

Còn ông dân thành phố
Còn cha, còn mẹ cũng như không còn
Cha mẹ đã ly dị khi ông còn thơ bé
Ngày đi học nghề
Tối về học chữ
Đời ông lăn lộn nhiêu khê, lang bạt kỳ hồ
Có khi là thợ máy, thợ may, thợ điện, thợ điện
lạnh, thợ hớt tóc
Có khi là tay đàn cổ nhạc cho một gánh hát cải 
lương
Có khi là cây ghi ta cho một vũ trường
Có khi là trung đội trưởng tác chiến
Có khi là giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội
Nhưng rồi
Kết cuộc cũng chẳng ra chi

5.
Ông Đạo Khiết
Ông còn nhớ
Cái đêm Giao Thừa năm 1977
(Ông và Tuấn đột kích nhà thăm nuôi đưa vợ vào
trại)
Chiếc bàn lồ ô, hai chiếc ghế lồ ô
Sáu người ngồi, bốn nam, hai nữ
Đêm không đèn, không đuốc, đêm như mực
Trời muôn vạn vì sao
Những đôi mắt càng thêm huyền ảo
Những mái tóc càng thêm buông dài
Mùi hương dịu dàng, quyến rũ, lan tỏa...
Tím thời gian!

Ông đàn, vợ Tuấn hát
Tiếng đàn sao mà áo não!
Giọng hát sao mà thê lương!
Bản nhạc “Không bao giờ quên anh” sao mà cảm
động!
Nhưng rồi nàng đã quên
Tuấn, người hùng Nhảy Dù một thuở
Trở nên... tuyệt vọng
Sau này Tuấn giựt súng đánh cán bộ quản giáo
Vì hắn chưởi đ. mẹ tù
Tuấn bị kỷ luật, nhốt hầm sâu
Thân tàn ma dại.
Không ai rõ Tuấn còn sống, hay Tuấn đã chết
Đời có phải là bọt bèo?
Hợp để rồi tan
Và tan để rồi vĩnh viễn không còn nhìn thấy nhau

6.
Ông Đạo Khiết
Những ngày cuối, trại Bù Gia Phúc càng buồn
Tuần nào cũng có tù trốn trại
Đi tập thể ba người, năm người, có khi mười người
Vượt qua biên giới, băng qua đất Miên, vào Thái
rồi sang Mỹ
Người đi thì nhiều, mà người bị bắt cũng lắm
Ông còn nhớ?
Cái đêm ba mươi Tết năm 1978
Thằng Long bị bắt khi chưa qua con suối
Long Biệt Động Quân vang bóng một thời
Cả buồng thức giấc
Nín thở
Tiếng người chạy
Tiếng chưởi thề
Tiếng đánh, đá, đạp, thoi
Tiếng bá súng
Tiếng rên, la, rú, thét...
Tiếng im lặng
Bên tai tôi
Tiếng ông nức nở buốt linh hồn:
Trời ơi!
Đánh như thế làm sao sống nổi?

7.
Ông Đạo Khiết
Tôi và ông chưa kịp thực hiện kế hoạch trốn trại,
thì chuyển trại
Ngày chuyển trại sao mà buồn!
Phước Long ơi!
Tỉnh biên giới phía Tây của Tổ quốc gần kề
Mà sao đèo heo hút gió!
Con đường ngày không một bóng xe qua
Ôi làm sao quên!
Những rẫy Thượng mọc đầy mướp đắng, mướp
ngọt
Những rừng lồ ô, giang, nứa, lú nhú măng non
Những sóc Thượng có nhiều người Thượng tốt
bụng
Tất cả, tất cả
Rất âm thầm
Đã âm thầm góp phần nuôi nấng đời tù đói khát

Ngày chuyển trại sao mà buồn!
Còi tập họp buổi sáng
Mười lăm phút chuẩn bị
Lên xe!
Đoàn xe ba lua phủ bịt bùng
Xếp hàng dài không đếm xiết
Nằm sâu trong cụm rừng cao su
Đoàn xe băng qua nhiều làng mạc/ thị trấn/ thành
phố
Dân chúng tụ tập, tất tả, vội vàng
Không ai bận tâm đứng nhìn, chú ý
Không ai bận tâm suy nghĩ, thắc mắc
Đoàn xe!
Chở người hay súc vật?
Không bao giờ có điểm bắt đầu/ chấm dứt
Bên cạnh/ trước mặt cuộc đời
Còn có mặt lưng/ mặt khác/ mặt song hành của
cuộc đời đó
Cũng rất huyền hoặc, dời đổi, phi lý và vô định

8.
Ông Đạo Khiết
Cánh cửa địa ngục tầng thứ hai mở ra vào lúc
Nửa đêm tháng nào?
Rừng, cũng là rừng
Rừng Xuyên Mộc không trăng sao
Âm u cây rừng, hàng hàng đại thụ vươn cao
Ánh đèn xe không chiếu thủng màn đêm
Cánh cửa sắt cao lớn hiện ra
Hai vòng rào kẽm gai và một hào sâu đen ngòm
hiện ra
Cổng trại kiên cố, đồ sộ, xây bằng xi măng cốt sắt
Tấm biển màu đỏ to lớn, như máu
Hiện ra nặng nề khó thở
Đoàn xe dừng lại, tắt máy
Bỗng nhiên rơi vào thinh lặng, hụt hẫng hoàn toàn
Anh đèn điện chiếu sâu, vào bên trong
Rộng mênh mông...
Hàng hàng dãy nhà âm u, lạnh lẽo
Cửa đóng im ỉm như nhà xác nào của quá khứ
Ánh đèn điện chiếu cao, vào bên dưới
Dài hun hút
Giãy giãy hành lang bất động
Quãng tối, quãng sáng
Một người, hai người, ba người
Và nhiều người công an đứng im lặng, tay cầm súng
Mắt lạnh lùng
Lòng đầy thù hận
Đoàn tù như đám cừu non sắp hàng
Lặng lẽ bước vào bóng tối
Chìa khóa tra vào ổ khóa lên tiếng báo hiệu:
Địa ngục tầng thứ hai bắt đầu!

9.
Ông Đạo Khiết
Buổi sáng
Mặt trời trễ nải lên khỏi rặng cây dầu phía Đông
Nắng đã gay gắt, mồ hôi nhễ nhại
Đoàn tù lùa ra sân rộng, gọi tên từng người một
Xếp tổ, xếp đội, xếp buồng
Tôi tách khỏi ông, đi về phía Tây
Tổ nhà bếp, buồng hình sự
Tù hình sự mặc áo trắng như áo tang
Đa số tuổi thiếu niên mặt non choẹt
Gầy gò, ghẻ chóc, đói khát, nghiện ngập
Quanh năm không một đứa thăm nuôi
Không còn ai nhớ đến chúng?
Như thể là chúng không hiện hữu trên đời
Có đứa khóc ngon khóc ngọt trong buổi tối nhớ mẹ
Có những đứa quấn quít, quây quần bên tôi
Như thể tình cha con ruột thịt
Và hay hỏi những câu rất khó trả lời
Thí dụ khi chết người ta đi đâu?
Trời Phật có phép thần thông, sao không xuống cứu
người ra khỏi cơn khổ nạn?
Chúng thiếu tình thương nhưng lại đa cảm
Chúng thiếu giáo dục nhưng lại bộc trực
Chúng bị khinh rẻ nhưng không cúi luồn
Chúng thù đời nhưng không làm ăng ten
Chúng dốt nát nhưng ân oán sòng phẳng
Chúng trẻ tuổi nhưng hay trúng gió, sổ mũi
Đêm nào cũng như đêm nào
Bất kể giờ, giấc, nóng, lạnh
Chúng đều kêu tôi xức dầu, cắt lể, cạo gió, bắt
phong
Tôi có thể là mẹ hiền trong giấc mơ của chúng
Ngày tôi ra trại chúng khóc như thể tôi lìa đời

10.
Ông Đạo Khiết
Mỗi tuần chỉ còn gặp ông một vài lần
Có khi không
Vào giờ lãnh cơm chiều
Ông đen, da bọc xương ái ngại
Ông cho tôi biết ông sẽ trốn trại
Ong cần tôi gô cơm để phục hồi sức khỏe
Thế là mỗi chiều tôi lén mang đến cho ông
Một gô cơm trắng, có khi cơm cháy
Đêm cuối cùng ông giao cho tôi bộ đồ xi vin
Ông bảo hãy giữ để làm kỷ niệm

Đêm dài hơn mọi đêm
Ngày mai sự nguy hiểm sẽ chờ đợi ông
Ngày mai sức lực và ý chí của ông có vượt qua
không?
Tôi thầm nguyện Đức Quán Thế Âm Bồ Tát
Tôi van vái Trời Phật Thánh Hiền
Bốn năm qua ông tinh tấn hằng đêm
Trì chí nguyện cầu và Thiền định
Ông sống bằng niềm tin tôn giáo
Niềm tin tôn giáo giữ nhân loại hòa bình
Và cứu người ra khỏi bóng đen tội lỗi
Một ngày nhân loại hiểu
Tàn bạo tích tắc hóa hư không
Ông khẳng định như vậy

Buổi sáng cũng dài như đêm
Ánh nắng nhảy múa trên hàng rào dây kẽm
Lòng tôi cơm nhão, đứt rời, tứa máu
Xoong chảo rơi, rớt khỏi tay
Khi súng bắn báo động, súng nổ liên thanh
Khi quần đùi, áo thun xách AK chạy thùm thụp, túa
lủa
Khi xế chiều trở lại báo tin:
Tên tù trốn trại đã bị bắn chết trong rừng cao su
Long Khánh
Tôi cứ loay hoay, hoang mang, tự hỏi:
Chẳng lẽ có thật như thế sao?

11.
Ông Đạo Khiết
Tôi muốn dừng ở đây, coi như hết chuyện
Vì sổ đoạn trường đã xóa tên ông rồi
Vì địa ngục đã vắng bóng ông rồi
Nhưng tôi muốn thêm một phụ lục:
Chuyện Người Tù và tên cán bộ quản giáo
Câu chuyện được truyền khẩu
Từ khu C đến khu A, khu B
Người tù đó chính là ông

Buổi chiều nắng nhiệt đới còn gắt, nóng...
Đỏ rực trên những lá cờ nông trường
Càng thêm nhức đầu, chóng mặt
Màu đất đen xám nâu hồng trộn lẫn
Màu vỏ cây, thân cây nằm ngổn ngang cháy nám
Màu gốc rễ cây bị đào bới, đánh bật lên, khô cứng
Màu áo quần rách rưới dơ bẩn của tù nhân
Màu da thịt đen tái như da thịt trâu
Bức tranh hỗn tạp về đường nét
Thất bại về bố cục
Nhưng lại là bức tranh chân thật

- Anh đưa con dao cho tôi!
- ?
- Anh chặt như thế này... Một cái rễ con mà anh cù nhầy cả tiếng đồng hồ chưa dứt. Anh hãy xem lại sự học tập của anh. Anh học tập bao lâu rồi?
- Thưa cán bộ, gần năm năm
- Tại sao gần năm năm mà không chịu tiến bộ? Anh phải phấn đấu cải tạo tốt để mong có ngày về. Anh phải gột rửa cái bản chất thối tha, phản động và chai lười của anh. Anh có biết là anh thuộc diện bệnh tư tưởng khó giáo dục hay không?
- ?!?
- Anh có hiểu tôi nói không?
- Tôi hiểu, nhưng không phải thế.
- Anh đừng có bướng bỉnh. Anh không bao giờ đạt năng suất của trại đề ra. Anh lao động à ới theo kiểu dựa quải ăn rơm, được chăng hay chớ. Anh có rõ không?
- Ngày mới vào trại tôi làm việc cũng mạnh bạo như cán bộ bây giờ vậy. Nhưng giờ đây tôi không thể làm được.
- ?!?
- Tại vì tôi đã kiệt sức. Cán bộ hãy nhìn xem, đây là tay tôi, chân tôi, chúng không còn mang hình dạng tay chân của của con người nữa. Chúng muốn tê liệt, muốn chết.
- ?!?
- Cán bộ nghĩ xem, năm năm qua cán bộ cho tôi ăn gì, mặc gì? Thậm chí khi bệnh đau, cán bộ cho tôi uống gì? Có phải là nhờ tương chao gạo muối của vợ tôi gởi vào không? Có phải là nhờ thuốc men đường sữa của mẹ tôi gởi vào không?
- Anh đừng láo khoét như thế. Nếu không nhờ chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng, anh đã chết mục xác từ khuya rồi. Anh phải tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà Nước, anh hiểu không?
- !
- Anh nên nhớ là tôi có quyền cắt thăm nuôi của anh, anh liệu hồn đấy!
- Tùy cán bộ. Hiện tại thì tôi không cần. Nếu cán bộ có cho thăm, cũng chẳng ai đến thăm tôi.
- Anh nói sao?
- Vì mẹ tôi đã chết, con tôi còn nhỏ, vợ tôi không tiền, anh em tôi thì ly tán.
- Được, anh cứ tha hồ tự do ngôn luận. Tôi sẽ đề nghị Trại cho anh học tập đến râu dài tận gối, xem anh có tiếp thu không?
- Xin lỗi cán bộ! Cán bộ chẳng qua chỉ là một người cai tù. Quyền thả hay nhốt chúng tôi không phải ở cán bộ kể cả ông Thiếu tá Trại trưởng trại này. Quyền đó nằm ở Cục Nhà Giam Sài Gòn, Bộ Nội vụ Hà Nội, và Bộ Chính trị Trung ương đảng.

Người cán bộ quán giáo giận tái mặt, đứng bật dậy, kéo cơ bẩm, quay súng về phía người tù, giọng nói run run:
- Đừng... có... bố láo... với ông...  ông bắn nát đầu!
Người tù cũng đứng bật dậy, thò tay cởi nút áo, ưỡn ngực, nói giọng khô giòn quả quyết:
- Cán bộ cứ bắn đi. Tôi không sợ chết đâu!
Trong một phút quá căng thẳng, người quản giáo từ từ lấy lại bình tĩnh, tỏ ra ôn hòa dịu giọng:
- Tôi xem hình như anh đang có tâm sự buồn. Tôi có thể giúp đỡ anh, anh đừng quá nông nổi như thế, không tốt cho việc học tập của anh đâu!
- Tôi chẳng có tâm sự gì ngoài một vấn đề hết sức đơn giản, là tôi đã kiệt sức. Tôi không thể làm cái công việc như đánh gốc cây phá núi phá rừng này được.
- Tôi sẽ cho anh vào tổ vệ sinh: đổ rác, dọn nhà cầu, làm việc nhẹ bên trong doanh trại. Anh đồng ý chứ?
- Không. Tôi không muốn vì tôi mà bạn tôi phải ra khỏi đó, trong khi anh ta cũng chẳng mạnh khỏe gì hơn tôi.
- Vậy thì tôi chịu thua anh thôi.
- Thế này... cũng ra rừng lao động, nhưng thay vì cầm dao, tôi muốn cầm chổi và hộp quẹt. Tôi sẽ quét lá gom lại và đốt.
- Tôi đồng ý.
Từ đó rừng xanh nghe tiếng hát:
Đố ai quét sạch lá rừng
 Để tôi khuyên gió gió đừng rung cây”*
Và trời xanh nhận được nỗi sầu của khói.

12.
Ông Đạo Khiết
Thời gian trôi qua lâu rồi
Thế giới đổi thay
Vạn vật đổi thay
Chỉ có chiếc cầu còn đứng lại bên dòng đời
Đó là hồn tôi, tim tôi, trí óc tôi
Đã từng bị đánh đấm, tra tấn, hạch hỏi
Bầm giập,  mưng mủ, lở lói
Suốt mười tám năm trời
Vết thương vẫn còn tấy đỏ hằn sâu
Hễ có dịp là nhỏ máu, rên rỉ
Đau nhức, quằn quại
Nỗi buồn còn nguyên vẹn như xưa
Nơi những gì đã hiện hữu, trần truồng
Phi lý và ghê tởm
Có ông, có tôi, có bạn bè già trẻ lớn bé
Trong cả hai tầng địa ngục
Những giấc mơ kinh hãi
Những giấc mơ dịu dàng
Tôi lại gặp ông
Gặp lại Tuấn
Gặp lại Long
Có cả vợ Tuấn, bà Thanh Thủy, vợ ông
Tôi lại nghĩ mông lung, xa vời, huyễn hoặc
Ngoài hai tầng địa ngục thênh thang kia
Còn có những tầng nào?
Còn có những tầng nào?
Mà tôi chưa hề biết
Ông chưa hề biết
Riêng Tuấn và Long
Có biết hay không?

Orlando, 10/11/1998

* Ca dao


TA CÒN LẠI TÌNH EM *

Gởi Đoàn Thủy Tiên

Từng ngày qua từng ngày
Ta nằm trong bóng tối
Người đi qua người về
Ta nằm im như ngủ

Từ ngày đi là hết
Tay trói ngược sau lưng
Chào một lần xa xót
Cây cỏ đứng ven đường

Hai mươi năm chiến tranh
Giết đời ta từng phút
Nay đất nước hòa bình?
Đẩy ta vào địa ngục

Ba năm rồi còn gì
Như con cừu khờ dại
Niềm tin và đợi chờ
Khiến hồn ta mòn mỏi

Ba mùa xuân qua rồi
Sống bằng đời tủi nhục
Hòa bình sao u hoài?
Đêm lăn dài nước mắt...

Thôi em đừng khóc
Hạnh phúc quang vinh
Giữa mùa xuân khô khốc
Em bơ vơ một mình

Thôi em đừng khóc
Tình yêu phụng thờ
Chỉ một lần lầm lỡ
Đau khổ đến bao giờ?

Như con chim vành vạch
Soi mặt đời lung linh
Không tìm thấy bóng mình
Ngã dài trên dốc lở

Ngày mai ta có đi
Cũng không còn dấu vết
Thôi tiếc nuối làm gì
Khi cuộc đời rỗng tuếch

Em ơi! em ơi!
Em vào đời ta
Hạnh phúc là trái đắng
Em vì lỡ tin ta
Để nửa đời vô vọng

Thôi xin em hãy sống
Chờ đợi cuộc tình không
Tàu ga đêm tăm tối
Cán mãi trái tim nồng

Thôi xin em hãy sống
Ba năm dài nhọc lòng
Mơ hoài một giấc mơ
Vẫn không thành sự thật

Từ khi đi là hết
Sao tình em lại về
Như khu rừng hực lửa
Cháy sáng cả đời ta

Em ơi! em ơi!
Giữa cuộc đời hư không
Nay ta chẳng còn lời
Để ru em sầu đông

Từ khi đi là hết
Em đến thăm làm gì?
Chỉ một lần sai sót
Sầu cháy đỏ thiên thu

Những đêm dài nhục hình
Ta nằm im như ngủ
Em bơ vơ dịu dàng
Về ru ta an nghỉ

Em ơi! em ơi!
Nếu đời là hoa mộng
Sao hạnh phúc tận cùng
Giữa muôn trùng lệ sóng?

Giữa cuộc đời bão táp
Ta còn lại tình em
Dưới hố sâu chua xót
Em hoa hạnh mặn nồng

Giờ đứt lìa tay với
Trước hạnh phúc xa xôi
Những đêm dài mắt tối
Nghe lặng lẽ dòng đời...

Em ơi! em ơi!
Em vào đời ta
Tình yêu là tù ngục
Sao toàn những cách xa?

Ôi! cuộc đời phi lý
Chỉ đến để rồi đi?
Như bóng chim mất hút
Trên đại dương mịt mù

Ta giờ như thây ma
Trôi hoài trên tuyệt lộ
Xin ru em mặn mà
Bằng muôn lời vĩnh phúc.

  (Trại cải tạo Bù Gia Phúc, 1978)
* Nữ nhạc sĩ Linh Phương đã phổ nhạc


TRONG MƠ EM ĐÃ ĐẾN

“Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp;
  hãy gõ cửa, sẽ mở cho.”
             (Kinh-Thánh, Ma-thi-ơ 7: 7)

   Họa ý bài thơ “Mùa Hè Năm  Ấy”
                     của Đoàn Thủy Tiên

1.
Trong mơ em đã đến má hồng
Ánh mắt đa tình làn môi cong
Thân hình tuyệt mỹ ôi! hoang tưởng
Buổi chiều Thiên Bửu tiếng chuông ngân...

Mái tóc đen tuyền buông óng ả
Tà áo mây bay trắng xóa chiều
Hoa sứ tháng Tư hương ngát cả
Một vùng cây cỏ lối em qua

Ta đi bên cạnh lòng si dại
Như  chiếc lá vàng lảo đảo rơi...
Như cánh cò chao nghiêng ruộng lúa
Và dòng sông cát nước bồi hồi

Ta đi bên cạnh lòng hư ảo
Cuộc đời rất thật tưởng như mơ
Lòng trai đã mở muôn cánh cửa
Rực rỡ hào quang đêm chúc hoa

Em đến mùa Hè cho trái chín
Me già thêm huyễn hoặc trăng xanh
Cổ tự mái cong sầu vạn cổ
Và sa di lòng rộn tơ tình

Em đến nghìn thiên kinh vạn điển
Chỉ còn một chữ Sắc (thị không)
Em đến Niết Bàn xa vụt hiện
Và luân hồi cũng hóa hư không

Em đến trục thời gian gãy đổ
Trái tim yêu mở khóa hồng trần
Sa di cởi áo rời Thiền viện
Theo em qua mấy nẻo phù vân

2.
Cuộc đời rất thật tưởng như mơ
Mấy chục năm qua khói lửa mờ
Đêm nghe tiếng súng tưởng tiếng pháo
Đại bác cầm canh ru trẻ thơ

Bao năm đi dưới những lằn  đạn
Qua vùng xôi đậu hằn dấu bom
Qua trũng bóng chết đầy mìn bẫy
Qua xác người qua nước qua non

Bao năm mạng sống treo đầu gậy
Chỉ mành lơ lửng những đêm trường
Không nhà không cửa không con cái
Đất Đỏ điêu tàn đứng cạnh đường

Mùa Xuân năm ấy Phước Tuy mất
Dân chúng tìm đường về Sài Gòn
Em  cũng đi tìm ta ngơ ngáo
Tìm ta Chu Hải, Cấp, Long Sơn... 

Mùa Xuân năm ấy GK3
Mấy chục tù binh xương, bọc da
Người sống không chôn nổi người chết
Long Khánh buồn như những tiếng gà

Thất thểu đi tìm bao tháng năm
Đi tìm qua núi thẩm non xanh
Em đã đi  tìm và đã gặp
GK3 chuyển trại về thành

Nhưng GK3 đã trả lời:
“Tù binh chưa được lệnh thăm nuôi”
Giữa Mùng Hai Tết tim em đứt
Giọt lệ em rơi giữa phố người

Mùa Xuân năm ấy Bù Gia Phúc
Mấy nghìn cải tạo da bọc xương
Bạn với cải trời, tre, giang, nứa...
Mắt mờ ai gục ngã trên đường?

Phước Long ơi! núi  đồi biên giới
Đã nuôi ta sống những ngày tang
Chiều Xuân nắng rớt trên rẫy Thượng
Ta thấy Phước Long héo hắt buồn

Mùa Xuân năm ấy chẵn ba năm
Em đã đi tìm  giữa núi rừng
Giấy, viết, gạo, đường... và có cả
Dưa hành, thịt mỡ, bánh chưng xanh

Nhưng Bù Gia Phúc chẳng cho thăm
Em về nước mắt chảy khôn cầm
Từ ngày kết mối duyên phu phụ
Sầu như  tơ liễu rũ sau đầm

Bao năm khói lửa sầu nối sầu
Hòa bình tiếp nối cảnh xa nhau
Em về trên những đường thiên lý
Đất Đỏ mù sương phủ mái đầu

Đất Đỏ về đâu ba năm qua?
Không chồng con cũng chẳng mái nhà
Tháng năm lờ lững như chiếc lá
Giữa dòng nghiệt ngả bóng Xuân qua

Đất Đỏ ơi! tình sâu nghĩa nặng
Một thời lửa đạn chở che ta
Cứu ta từng đường tơ kẽ tóc
Đưa ta về những bến hiền hòa

Đất Đỏ ơi! nghĩa nặng tình sâu
Ba năm còn đó chẳng hoen màu
Bao giờ ta trở về Đất Đỏ?
Một rừng vú sữa lá âu sầu!

Người yêu ơi! em khổ vì ta
Tình chồng nghĩa vợ tám năm xa
Từ ngày tri ngộ trên Thiên Bửu
Má hồng phai nhạt bởi vì ta

Bao năm em cùng ta kết tóc
Cùng ta xây hạnh phúc tương lai
Chỉ toàn nước mắt toàn ngăn cách
Môi cong vò võ tháng năm dài

Từ ngày em xuất giá tòng phu
Biết đâu trên những bến sương mù
Đời lính ta đem thân đỡ đạn
Phía sau khói lửa là đời tù

Đời lính bao đêm ta thức trắng
Bao năm trực diện với tử thần
Chén đắng đã từng quen uống cạn
Sao còn khổ lụy đến tình em?

Em ơi! đời lính tráng xông pha
Đem thân ra bảo vệ sơn hà
Chiến tranh mong mỏi ngày tàn lụi
Cởi áo chinh nhân trở về nhà

Nhưng hôm nay chẳng có ngày về
Đầu hôm nghe tiếng con tắc kè
Nửa đêm nghe tiếng con dế gáy
Lòng héo khô giọt lệ đầm đìa

Nhưng hôm nay chẳng có ngày ra
Đêm khuya nhìn thấy những thây ma
Hồn gởi về đâu trên bến cũ
Xương khô từng lóng lệ nhạt nhòa

Chiến sĩ ư hề sinh tử nhẹ
Cuộc đời tù ngục lịch nào xem
Đời em còn đẹp em còn trẻ
Hãy lo hạnh phúc của riêng em

Chiến sĩ ư hề sinh tử quy
Vô tửNhân sinh tự cổ thùy”
Xin hãy xem như ta đã chết
Từ ngày hai mươi bảy tháng Tư

Trên vùng biên giới chim kêu bạn
Vượn hú đầu non lạnh suối ngàn
Con đường bụi đỏ xa hun hút
Mây trắng về đâu hàng nối hàng...

Từ vùng biên giới sầu vô hạn
Ta gởi về em thấu nỗi niềm
Cái nghĩa trăm năm dù chẳng vẹn
Nhưng tình còn mãi mãi nghìn năm

Ơn em còn đó như sông rộng
Tình em còn đó tựa non bồng
Ba sinh hương lửa lời biển nặng
Nghìn năm nguyền khắc cốt ghi lòng

Chiến sĩ ư hề sinh tử nhẹ
Cuộc đời tù ngục kéo lê thê
Đời ta ta sẽ tự xử lấy
Đừng khóc em ơi! hãy trở về

Mấy lời nhắn gởi mong em hiểu
Ở trong cửa tử có đường sinh
Nguyện cầu Quán Thế Âm Bồ Tát
Đưa em qua khỏi bến trầm luân.

Trại cải tạo Xuyên Mộc, 1980