SỐ 40 - THÁNG 10 NĂM 2008

 

Thơ

Lầm
24Vũ Hoàng Thư
Qua công viên
24Di Trương
Đêm Mỹ Tho
21Phạm Hồng Ân
Gió về
18
Trần Việt Bắc
Bắc lưu
18Tử Hà
Bến yêu
18Huỳnh Kim Khanh
Thu
21
DTM - PTP - VHT
Thơ tri kỷ
21Ái Ưu Du
Khi tôi chết
21Hoàng Mai Phi
Đêm trăng tây bắc
24Đỗ Phong Châu
Hoa cỏ
24Tôn Thất Phú Sĩ
Trăng và tôi
21Kim Thành
Time stands still when I look into your eyes
18
Niles Vo
El Sol y La Luna
18Tiểu Châu
Em đến thăm một chiều mong manh
18Vinh Hồ
Oruga Hyakunin Isshu số 2
21
DTM - PTP - VHT
Thơ phiếm bầu cử Hoa Kỳ
21Tú Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Mùa thu và Paris
14
Xuân Phương
Căn nhà sau cửa biển
14Phan Thái Yên
Người tù điên
14Phạm Hồng Ân
Đoàn tụ
14Phan Ngọc Danh
Ban Mê và nỗi nhớ
13
Đỗ Trường
Vọng biển
14
Nguyễn Nhật Cường
Con búp bê tật nguyền
8Cỏ Biển
Nơi chỉ xài bạc cắc
8Tầm Xuân
Mái tóc của Huế xưa
8Trần Hoài Thư
Gió chướng
8Song Thao
Không gian ảo
8Tiểu Đỉnh
Chiếc áo gấm
8Ái Ưu Du
Trách nhiệm và luật pháp
8Đỗ Trường
Trở về
8Đỗ Phong Châu

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
1Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành - Kỳ 13
4Ngô Văn Xuân
Những lời tiên tri về tận thế
4Vinh Hồ

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 27
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (19,20,21)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết (2)
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Hồi kết

1Huỳnh Kim Khanh


 

Tản mạn - Thêm một ngày nơi chỉ xài bạc cắc

 

Chưa bao giờ lá trên phố Ga chín rộ. Mùa thu ở đây là một loáng tàn phai của mùa hè trễ đi và mùa đông vội đến. Mới hôm nào bầy chim còn chen cứng trên những dây điện đường.
“Nhưng mỗi sớm tôi phải mất nửa tiếng đồng hồ để quét lá đấy! Không thú vị chút xíu nào, lão Jim ạ!”
“Hãy để yên những chiếc lá trên sân! Mày không thể phân biệt được lá vàng với rác sao?”
“Nhưng khách giặt họ không thích thế!”
“Bởi họ không thấy được một linh hồn trong mỗi chiếc lá rơi!”
“Lão đúng là một nghệ sĩ! Thứ dữ!”
“Tao từng học vẽ đấy!”
“Thế lão… vẽ mùa thu chứ?”
“Chịu phép! Tao bất tài! Tao không thể vẽ được khoảng trống để lại khi những chiếc lá rơi. Tao không vẽ được khoảng trống để lại khi bầy chim đã bay về phương nam tìm ấm. Tao không vẽ được khoảng trống để lại khi những người đàn bà bỏ đi!”
“Thôi, lão! Hãy dành những chuyện như vậy cho buổi chiều. Bây giờ nếu lão chịu khó trông tiệm dùm tôi một khắc, tôi sẽ sang bên kia đường mang về cho lão mấy cái donut.”
“Được! Nhưng một cái cà phê là đủ. Ấy chà, lâu lắm rồi chưa có người phụ nữ nào pha cho tao tách cà phê buổi sớm. Từ ngày bà ấy bỏ đi!’

oOo

“À, Ron! Lâu quá mới lại gặp! Chuyện gì đã xảy ra vậy?”
“Thế ông không biết là tôi rất bận rộn trong mùa tranh cử à? Đi vận động cho ứng cử viên Đảng!”
“Kết quả thế nào?”
“Thắng lớn! Chiếm đa số ở cả hai viện! Nước Mỹ sẽ phải chuyển hướng lộ trình của nó thôi! Trước hết là cuộc chiến Iraq… Ủa, vậy là ông không đi bầu và không theo dõi kết quả?”
“Không, tôi không quan tâm đến các vấn đề chính trị. Nhất là chính trị nước Mỹ. Vậy mà kỳ bầu cử Tổng thống vừa rồi tôi có đi bỏ phiếu đấy!”
“Tôi biết ông là công dân hạng sang! Ông chỉ quan tâm đến vị trí quyền lực số một! Tuy nhiên, ông quên rằng mọi quyết định của nhân vật ấy bị chi phối bởi nhiều mặt. Nhiều hướng. Nhiều thế lực. Ví dụ…”
“Tôi không quên gì cả! Chỉ có ông là hay quên! Đã nhiều lần tôi bảo với ông rằng tôi yêu cái đẹp. Và yêu người đẹp. Tôi đi bầu Đệ nhất phu nhân mà! Và tôi đã bỏ phiếu cho Laura!”
“Thế ông nghĩ sao về Teresa?
“Khá quê mùa. Và thô lậu!”
“Còn Kerry?”
“Con gà của ông là kẻ hay kể công, lại cho tổ quốc vay ăn lời cắt cổ. Trong suốt ba mươi năm qua ông ấy đã tận dụng những tấm huy chương có được một cách đáng ngờ trong ba tháng ở chiến trường Việt Nam.”
“ Ông có vẻ cay cú với những gì ông ấy điều trần trước Quốc Hội ba mươi năm về trước.”
“Ông ấy tán nhảm với những kẻ không hề biết chiến tranh là gì đó mà! Tục ngữ chúng tôi: Đi xa về tha hồ nói phét. Kể từ hôm đó, tôi viết rằng một người lính đã chết. Và tôi báo trước cho ông, sau những gì ông ấy vừa tuyên bố lăng nhăng về binh lính ở Iraq, một sự nghiệp chính trị vốn không mấy sáng sủa đang hấp hối!”
“Ông nói ông không quan tâm đến những vấn đề chính trị mà!”
“Đúng! Đây là vấn đề đạo đức…”
“Này, cha quan niệm đạo đức như thế nào và muốn nói đến thứ đạo đức gì vậy? Nhưng tôi hiểu cha muốn nói gì! Cha ngây thơ đến đỗi tưởng rằng có cái gọi là đạo đức chính trị và một nền chính trị đạo đức hay sao?”

oOo

Em yêu,
Cuối cùng thì một mùa hè khắc nghiệt nữa cũng qua. Mùa hè qua, để lại những cánh đồng cỏ cháy nám dọc xa lộ và những cây chết dọc phố Ga. Cây không chết từ gốc, từ rễ. Cây khô từ lá, từ cành. Cây trụ vững bao năm, sau vài tuần nắng bỏng, cháy lá trụi cành và cái chết lan dần xuống gốc rễ.
Nhưng phải chăng chúng ta cũng đang chứng kiến quanh đây những cái- chết- người như thế? Khi cội nguồn không đủ sức nuôi nấng tâm hồn!
Chiều qua, thăm vườn sau, anh chợt ngây người vì những bông vạn thọ vàng rói trên lớp cỏ khô. Gió đã rải hạt mầm xuân cũ cho vạn thọ đợi mùa. Và những hạt mầm kia đã bắt vội kịp cái loáng thời tiết mong manh giữa mùa hè trễ muộn và mùa đông đến sớm. Cuối sân, những đóa tường vi tí hon vừa hé nụ. Hạnh phúc.

oOo

Thế là mùa thu lãng du đã trở lại. Mùa thu thô thiển trên phố Ga gợi tưởng đến mùa thu huy hoàng ở những chốn xa nào. Và xa hơn, mùa thu đẹp não nùng trong ký ức những người một thời yêu thơ mới:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực,
Hình ảnh kẻ chinh phu,
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô?

Hẳn nhiên những người yêu mùa thu và yêu thơ mới không chỉ thổn thức vì những bài thơ mới ca tụng mùa thu. Và người ta nhớ đến Lưu Trọng Lư không chỉ vì bài Tiếng Thu trên:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
Tôi nhớ mẹ tôi thủa thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội

Áo đỏ người đem trước dậu phơi

Hình ảnh mẹ tôi chẳng xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nháy sau tà áo
Trong nắng trưa hè trước dậu thưa

… “Hê lô Fernando! Quần áo mày sẵn sàng cả rồi đấy!”
“Tôi không gấp! Ông rảnh tay được chút chứ?”
“Như mọi lúc. Như mọi ngày. Rất rảnh và rất bận. Nhưng có chuyện gì thế?”
“Chả có chuyện gì. Để tán gẫu thôi mà!”
“Thì cứ tán, có sao!”
“Tôi đã từng bỏ giặt quần áo ở nhiều nơi lắm…”
“Đó không phải là lỗi của bà xã mày!”
“Chưa nơi nào người ta chăm sóc quần áo khách giặt như ở đây!”
“Mày không định mắng mỏ gì chứ?”
“Thú thật, tôi chưa từng thấy ai giặt xếp quần áo theo cái cách của ông. Chưa có ai chăm sóc quần áo tôi như cái cách của ông. Kể từ ngày mẹ tôi mất đi!”
Thằng quỷ Fernando! Mày đúng là một thi sĩ thứ thiệt! Tao chưa hề nghe ai nói chuyện diễn cảm và thông minh như mày!”

oOo

“Felicia! Mọi việc vẫn bình thường chứ chị?
‘Ừ! Trừ chuyện tôi vừa mất việc!”
“Cũng vẫn là chuyện bình thường. Mùa lạnh, sản xuất đi xuống, hãng xưởng thường thải người! Rồi đâu cũng vào đấy thôi mà!”
“Bất thường là buổi sáng xếp gặp còn khen là làm việc tận tụy, hãng cần những người chăm chỉ như bà, thế mà cuối ngày thì lạnh lùng cám ơn mười lăm năm bà làm việc ở đây, rất tiếc bây giờ không còn việc cho bà nữa…”
“Cũng vẫn là chuyện bình thường thôi! Thường thì người bên đây quan niệm không nên tiếc chi một đóa hồng trước khi thít cổ ai đó.”
“Ở xứ này càng lâu, tôi càng chán nghe những lời khen, những lời chia buồn, những cám ơn, những xin lỗi, những rất tiếc… Khỉ, phía sau chúng chẳng có quái gì cả!’
“Có lẽ vì vậy mà người bên xứ tôi ít sử dụng chúng… Ồ, mà chị bận tâm chi đến những chuyện ấy chứ? Ngôn ngữ xã giao, lịch sự… Chúng giúp bôi trơn giao tế xã hội… Chúng… giúp con người quan hệ với nhau tốt hơn.”
“Tốt hơn? Không chắc! Tôi thấy khó chịu! Tôi đẩy cửa một tiệm tạp hóa, cánh cửa hót lên Chào mừng; sắp bước ra, nó lại réo lên Cám ơn, hẹn gặp lại; có việc đi qua đi lại cánh cửa, nó lại réo liên tục Cám ơn… Sao ông không lắp vào cánh cửa một cái máy biết nói như thế?”
“Ồ, xin lỗi, tôi phải đi một vòng quét dọn đây!”
“Chậc, một mùa lễ đầy khó khăn…!”

oOo

“Tôi, Jerry! Anh người Trung Hoa?”
“Không, Việt Nam.”
“Ô, xin lỗi. Tôi thường nhầm lẫn giữa các sắc tộc Á Châu. Dù tôi đã ở Việt Nam không dưới bốn năm. Tôi, Jerry, Hạ sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, phục vụ trên chiến trường Việt Nam không dưới bốn năm. Đúng ra là…”
“Thời gian dài nhỉ! Anh phải biết rất nhiều về đất nước tôi.”
“Ngược lại là khác! Rất ít. Tôi thường dính cứng trên các tiền đồn. Quảng Trị, Gio Linh, Đông Hà, Khe Sanh… Rất ít. Có lẽ nhờ vậy mà tôi thích Việt Nam. Một đất nước thú vị!”
“Lạ nhỉ!”
“Không lạ. Có thể tôi sai, nhưng tôi quan niệm một đất nước cũng như một người phụ nữ: biết càng ít bao nhiêu thì ta yêu nhiều chừng đó!”
“Này Jerry, anh có quen lão Frank ngồi góc kia không?”
“Có. Cùng Hội Cựu binh Thủy Quân Lục Chiến mà! Nhưng chỉ biết một ít về lão thôi. Có lẽ nhờ vậy nên… lão là một con người thú vị!”
“Ừ, thú vị. Trừ việc lão hay ghé sát mặt tôi khi nói chuyện!”
“Anh không biết lão lãng tai nặng à? Nên nghĩ thính giác ai cũng kém! Mà lão có biết gì về Việt Nam đâu! Lão thuộc thế hệ trước. Lão đóng ở Okinawa, vừa giải ngũ ba ngày thì nổ ra chiến tranh Triều Tiên.”
“Có lẽ nhờ vậy mà đối với lão, Việt Nam là một đất nước tuyệt vời. Lúc nào cũng chừng đó câu hỏi… Nước mày có tuyết không? Có catfish chứ? Người ta trồng gì? Có cải bắp chứ? Mỗi lần trò chuyện thì cũng đều chừng đó những câu hỏi!”
“Đó cũng là một điều thú vị ở lão! Lão chỉ hỏi và không bao giờ nghe trả lời. Nghe vô ích, lại quên ngay. Lão đãng trí mà!”
“Nhưng lão có nhớ rằng SayonaraTạm biệt đấy! Lão không chào Bye với tôi. Lão nói Sayonara!”
“Lão nhớ lại cái thời đồn trú ở Okinawa. Lão cũng nhớ phim Sayonara do Marlon Brando đóng vai chính. Nhưng có lẽ chỉ nhớ bấy nhiêu thôi.”
“Anh có dự định đi thăm lại Việt Nam một chuyến chứ? Bây giờ nhiều cựu binh vẫn làm thế. Họ thăm lại chiến trường xưa.”
“Không, họ muốn sống lại chút ký ức một thời trai trẻ! Tuổi trẻ thường khát khao những bến bờ xa lạ thì tuổi già hay tìm về chân trời cũ. Tôi không có gì để phiền họ dù mình không bao giờ làm thế.”
“Để xem!”
“Tôi Jerry, Cựu Hạ sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ! Gặp anh lần tới nhé!”

oOo

“A… Carolyn đây rồi! Bà có chuyện gì mới cho tôi không?’
“Ông tưởng thế ư? Quả là có chuyện gì đó mới mẻ trên đời này sao? Rồi ông sẽ thấy một ngày như mọi ngày cho mà xem! 

Tầm Xuân