SỐ 40 - THÁNG 10 NĂM 2008

 

Thơ

Lầm
24Vũ Hoàng Thư
Qua công viên
24Di Trương
Đêm Mỹ Tho
21Phạm Hồng Ân
Gió về
18
Trần Việt Bắc
Bắc lưu
18Tử Hà
Bến yêu
18Huỳnh Kim Khanh
Thu
21
DTM - PTP - VHT
Thơ tri kỷ
21Ái Ưu Du
Khi tôi chết
21Hoàng Mai Phi
Đêm trăng tây bắc
24Đỗ Phong Châu
Hoa cỏ
24Tôn Thất Phú Sĩ
Trăng và tôi
21Kim Thành
Time stands still when I look into your eyes
18
Niles Vo
El Sol y La Luna
18Tiểu Châu
Em đến thăm một chiều mong manh
18Vinh Hồ
Oruga Hyakunin Isshu số 2
21
DTM - PTP - VHT
Thơ phiếm bầu cử Hoa Kỳ
21Tú Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Mùa thu và Paris
14
Xuân Phương
Căn nhà sau cửa biển
14Phan Thái Yên
Người tù điên
14Phạm Hồng Ân
Đoàn tụ
14Phan Ngọc Danh
Ban Mê và nỗi nhớ
13
Đỗ Trường
Vọng biển
14
Nguyễn Nhật Cường
Con búp bê tật nguyền
8Cỏ Biển
Nơi chỉ xài bạc cắc
8Tầm Xuân
Mái tóc của Huế xưa
8Trần Hoài Thư
Gió chướng
8Song Thao
Không gian ảo
8Tiểu Đỉnh
Chiếc áo gấm
8Ái Ưu Du
Trách nhiệm và luật pháp
8Đỗ Trường
Trở về
8Đỗ Phong Châu

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
1Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành - Kỳ 13
4Ngô Văn Xuân
Những lời tiên tri về tận thế
4Vinh Hồ

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 27
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (19,20,21)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết (2)
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Hồi kết

1Huỳnh Kim Khanh


 

Con búp bê tật nguyền

 

Sáng thứ hai đầu tuần sau phiên họp giao ban, tay trưởng phòng trở về phổ biến lịch công tác cho những ngày kế tiếp, ông ta quay sang tôi phân công :

- Cô Kim Thủy chốc nữa đi cùng anh Tài phó phòng vào Chợ lớn nhận bàn giao cơ sở vật chất và mở sổ chi tiết vật tư chuẩn bị cho thủ kho chuyển hàng bên kho 81 về chỗ mới.

Tôi hỏi lại :

- Những mặt hàng cũ đã có sổ chi tiết rồi cũng phải mở sổ mới hả chú ?
- Ừ, nhân dịp này cô đối chiếu với thẻ kho về số liệu tồn kho luôn.

Chiếc Toyota cũ xộc xệch chở tôi và tay phó phòng cùng hai công nhân khác ngồi phía sau thùng xe đến địa điểm theo sự phân công. Cơ sở vật chất là một ngôi nhà thoạt đầu trông bình thường giống như một trong những căn nhà cùng dãy phố. Trước kia có lẽ cũng là một cửa tiệm buôn lớn, sau năm 75 bị tịch thu theo chính sách chung đánh tư sản mại bản của chính quyền Cộng sản.

Đi sâu vào trong mới thấy hết thiết kế bên trong là một tòa nhà có ba tầng lầu cao, bên dưới là một gian nhà rộng theo kiểu nở hậu. Đồ đạc trong căn nhà đã bị " sơ tán " gần hết vì đã trải qua nhiều lần bàn giao qua nhiều cơ quan mỗi lần một ít, bây giờ trong gian nhà rộng lớn chỉ còn chỏng trơ cái bàn kiểu xưa và ba bốn cái ghế gỗ có vẻ nặng nề cũ kỹ bằng gỗ mun đen. Phía sau trong góc nhà là cái bếp bằng gạch men trắng nhưng tường nhà chung quanh ám đầy khói có lẽ khi mới tiếp quản đơn vị nào đó đã đun nấu bằng than củi. Trên lầu các gian phòng ngủ cũng trống trơn, gian giữa ở tầng cao nhất phía trên gần sát trần nhà người chủ xưa kia đã xây một bệ gạch chạy dài có lẽ dùng làm nơi thờ phụng, quả nhiên tôi đã đoán không lầm. Khi anh Tài leo lên chiếc ghế nhìn lên anh kêu tôi :

- Kim Thủy, mày đọc xem chữ trên này viết gì.

Anh ta lôi xuống hai ba cái bài vị bằng gỗ sơn son trên có viết những hàng chữ Tàu, có lẽ vì không mang về nhà dùng được nên chúng mới còn tồn tại đến ngày nay. Tôi xua tay lắc đầu :

-  Chịu thôi, tôi không biết đọc chữ Tầu,
-  Ê, còn cái này nữa,

Anh ta nhoài người vào phía trong và nhảy xuống đất ném vật cầm trên tay khiến bụi bậm tung tóe, tôi kêu lên :

-  Một con búp bê mất hết tay chân !

Tôi nghĩ, chắc khi chủ nhà bị đánh tư sản người ta thấy nó, nghi ngờ chủ nhân có dấu những đồ gì quý giá nên bẻ hết tay chân để tìm, cuối cùng vất vào một xó nhờ vậy nó mới còn lại ở đây cho đến giờ này.

-  Tiếc nhỉ, nếu không tao lấy về nhà cho con tao chơi.

Nói xong anh ta vất con búp bê vào đống giấy rác vụn vặt trong góc nhà cùng mấy cái bài vị rồi bỏ đi xuống dưới lầu. Tôi lẵng lặng cầm mấy cái bài vị leo lên ghế đặt ngay ngắn trên bệ thờ thầm nghĩ : "Người đã chết đi chẳng có tội tình, họ bây giờ không còn người thân để hương khói cho bớt lạnh lẽo, cũng đừng nên vùi dập những gì còn sót lại cho dù chỉ là một cái bài vị bằng gỗ vô tri ! ” Cầm con búp bê mà tên phó phòng vứt bỏ tôi vén mái tóc làm bằng những sợi tơ vàng xù lên rối bù bám đầy bụi, khuôn mặt con búp bê hiện ra xinh xắn với hai gò má hồng hào, đôi mắt xanh to, đặt nằm ngửa nó nhắm nghiền mắt với hai hàng lông mi cong vút. Con búp bê không còn tay chân chỉ còn lại thân mình trần truồng, phía sau lưng có hàng chữ đúc nổi Bella, Made in France, một cái tên có vẻ quen thuộc, lồng ngón tay vuốt lại mớ tóc phía sau gáy con búp bê, đầu nó làm bằng một thứ nhựa cứng hơn thân mình bỗng nhiên tôi nhận ra một dấu nứt và nhìn kỹ lại, phải rồi, cái dấu phía sau ót dược dán bằng một thứ keo hóa học còn dính lam nham theo kẽ nứt được dấu dưới mái tóc, quan sát kỹ mới thấy. Trí nhớ tôi chợt trở về tự hỏi ? Có phải là con búp bê năm xưa mình đã lỡ tay làm rơi nó từ trên hàng kệ cao chót vót xuống đất !. Tôi bàng hoàng trước hạnh ngộ bất ngờ. Con búp bê là món đồ chơi đắt tiền nhất của thời đó, là nàng công chúa ngự trị giữa những con búp bê khác trong cửa hàng của dì tôi mười mấy năm trước bây giờ là con búp bê tật nguyền nằm trong đống rác. Lòng tôi chua xót liên tưởng trong thời buổi đảo điên hiện tại,” Mao sếnh sáng " quan thầy của Cộng sản Việt nam đã phát biểu " Trí thức không bằng cục phân " nên những người không thuộc giai cấp lao động không có quá trình " tham gia cách mạng " đang bị vất vào một xó cũng giống như con búp bê vô tri vô giác này !

oOo

Mùa hè năm tôi học lớp Đệ Tam má dẫn tôi ghé thăm người dì họ, bà nhìn tôi nói :

- Con gái mặc áo dài trổ mã trông như người lớn, mấy tháng hè không đi học ra trông nom cửa hàng giúp dì giùm, dì sắp đi thăm các anh chị của cháu bên kia rồi.

Năm nào cũng vậy, mỗi ba tháng hè là dì phải đi một vòng qua HongKong, Nhật bản, Âu châu trước là thăm các con đang du học ở đó, sau là nhân cơ hội này đặt mua các hàng hóa mang về Việt Nam bán trong dịp Noel và Tết. Cửa hàng của dì nằm trên đường Nguyễn Huệ cạnh một thương xá sầm uất và chỉ chuyên bán các loại hàng nhập cảng đắt tiền, nhiều nhất là đồ chơi kiểu mới đủ loại của Pháp và Nhật, hoa làm bằng plastic của Hongkong trông giống y như hoa thật, nữ trang giả cho các bà, các cô. Nhiều bộ dây chuyền, hoa tay vòng nhẫn của Thụy sỉ chiếu lấp la lấp lánh trong tủ kính. Áo Kimono và tóc giả của Nhật cũng khoác lên thân hình của hai cô " ma nơ canh " đang dứng trong tủ kính cạnh cửa ra vào. Cửa tiệm bán nhiều thứ nhưng tôi chỉ thích đứng trông chừng hai nơi trưng bày hoa giả và đồ chơi bởi với bản tính hồn nhiên tôi có cơ hội tốt lôi các món đồ chơi ra vui đùa trong lúc vắng khách. Sau khi giúp chị Lan, người quản lý cửa tiệm cắm mấy chậu hoa và cột giá bán vào tôi bê từng bình để vào nơi trưng bày. Nghiêng đầu ngắm nghía tôi công nhận hoa nhựa của Hongkong làm không giống hoa giả chút nào, cánh hoa mềm mại, màu sắc tươi tắn, của hàng rực rỡ với hoa hải đường đỏ chót, thủy tiên vàng tươi, những bó cúc đại đóa với cánh hoa xúm xít túm tụm vào nhau, hoa lay ơn với cành cong cớn, hoa lys hình loa kèn và nhiều loại khác tôi không biết hết tên được, tôi thích nhất là những nhánh hoa linh lan màu trắng, màu xanh, màu tím với bông hoa li ti giống như một hàng chuông nho nhỏ treo lủng lẳng dọc trên cành. Hình như bên Tây người ta có một ngày hội của nó gọi là hội hoa Linh lan hay muaget thì phải ?

Nếu cửa hàng bận rộn với khách mua hoa về để trưng bày trong dịp Tết vẫn không đông khách vào những tháng cuối năm sắp đến mùa Giáng sinh. Khi những thùng hàng được dì tôi mua về tới, bọn tôi tháo ra, tôi giành phụ trách khu vực bày đồ chơi để có dịp chơi đùa mặc dù tôi bây giờ không còn là con nít nữa. Loại đồ chơi thông thường được bày lên hàng kệ lộ thiên mỗi thứ một cái làm mẫu cho khách ngắm nghía lựa chọn, tôi đứng canh chừng, giải thích chỉ dẫn cho khách hàng cách chơi đùa với chúng. Tôi cũng hay lừa phỉnh làm cho họ một mẻ hoảng hồn khi thấy những người khách chú ý đến món đồ chơi " bàn tay ma " là quyển sách giả bằng sắt, đợi khi khách muốn cầm lên xem tôi bèn bấm cái chốt lên dây cót phía sau, người khách vừa giơ tay chưa kịp sờ tới thình lình từ bìa sách bên trong có một bàn tay xương xẩu thò ra, quơ quào khiến mấy đứa trẻ con lẫn người lớn đang đứng ngắm giật mình hoảng hốt thụt lui rụt tay lại và khi nhận ra sự thật họ ôm nhau cười rũ rượi.

Nhưng những loại đồ chơi lạ mắt như thế vẫn không làm tôi thích thú bằng những con búp bê bày trong tủ kính.Chúng đứng sắp hàng ngay ngắn từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài trước tấm kính phản chiếu ánh đèn khiến chúng trở nên đông đúc, rực rỡ hơn.. Này là những con búp bê vải mặc quần áo cổ truyền của những thiếu nữ Việt nam đứng giơ tay như đang mời chào những quân nhân hay khách ngoại quốc mua về để kỷ niệm những ngày dừng chân trên đất nước này. Những con búp bê mặc y phục phụ nữ tiêu biểu cho xứ sở Nhật bản, Đại hàn đứng kề những cô gái tây phương tóc chải bồng, áo cánh, váy ngắn rực rỡ với đôi bốt thon thon ngồi tréo chân trên ghế xoay vòng theo điệu nhạc mỗi khi vặn dây cót, bên cạnh đó là những con búp bê với dáng hình một đứa con nít, đứa thì nhắm mắt há miệng cười khoe hai cái răng cửa to như răng thỏ mới mọc, đứa đứng khoanh tay mắt mở to hai hạt nước mắt rưng rưng dưới mi như đang bị phạt. Đứa đầu to mặt bầu bĩnh mọc đầy mụn lấm chấm, đứa da đen đứng chen lẫn da trắng hồng hào. Thế giới búp bê toàn phái nữ khiến chú búp bê nam với cái đầu cạo trọc chỉ chừa chỏm tóc trên mỏ ác lạc lõng, thui thủi đứng một mình, nếu chú không mặc quần áo Nhật bản và mang thanh kiếm võ sĩ đạo bên hông tôi sẽ nghĩ chú là một chú tiểu của môn phái Thiếu lâm tự bên Tàu.

Thế giới của búp bê cũng giống như con người, những con búp bê đắt tiền và quý hiếm đều được đặt trên tầng cao nhất trong tủ, có con to gần bằng đứa bé mới sinh. Búp bê biết đi, biết nói là đắt tiền nhất nên trong tiệm chỉ có một con đơn độc, tôi thích nhất là nhóm búp bê Bella vì nét mặt chúng dễ thương hơn, những con này không biết đi, biết nói nhưng biết nhắm đôi mắt với hàng mi dài cong vút khi đặt chúng nằm ngửa, tuy vậy chúng cũng đắt tiền không kém, giá mỗi con hơn một tháng lương của quân nhân, công chức cấp thấp nhất, vì vậy chỉ có những người giàu có mua cho con chơi hoặc dùng làm quà biếu xén mà thôi.
Còn đang bận bịu với đám "con mọn " búp bê bên tai tôi có giọng người khách :

- Em làm ơn cho tôi hỏi ?

Buông tay ngẩng đầu ngước lên, tôi thấy một ông khách mặc bộ quần áo lính màu xám, đội nón kết miệng chúm chím như đang nén cười đang nhìn tôi ngồi bế con búp bê trong lòng, hơi thẹn thùng nhưng tôi cũng mau mắn trả lời :

- Thưa ông cần gì ạ ?
- Tôi muốn mua một bình hoa, em có thể giúp tôi chọn giùm.
-  Dạ được, ông muốn mua loại nào, loại đẹp nhất là hải đường được không hở ông ?
-  Loại nào giá trung bình thôi vì lính không có nhiều tiền đâu cô. Tôi mua bình hoa để trưng bày trên bàn trong hội trường trên tàu.

Tôi nhớ ra hai hôm nay vào mỗi buổi chiều anh chàng này đã đi lòng vòng trong tiệm ngắm nghía và bây giờ mới có quyết định, tôi chỉ vào cái bình to nằm dưới đất :

- Vậy thì ông mua hoa cúc này đi, chỉ cần mua ba cành, hai vàng và một trắng cùng một cái bình nhỏ ông có thể cắm thành một bình hoa để trên bàn dễ dàng.
- Tôi không biết cắm hoa, em cắm giúp tôi được không ? Hôm qua tôi thấy em cắm nhiều bình hoa rất đẹp cho khách.

Tôi bất giác nghĩ " Á, anh chàng này đã lén nhìn mình từ mấy hôm nay khi đi ngắm hàng mà mình không biết "
Lấy đủ tất cả những thứ cần thiết tôi mang ra quầy và nói :

- Ông vui lòng chờ tôi cắm bình hoa, nhanh lắm thôi.

Trong khi tôi loay hoay bẻ cong cành hoa tạo dáng, anh ta đứng bên cạnh hỏi :

- Em còn đi học phải không ?

Tôi lịch sự trả lời :

- Dạ, em còn đi học, em ra đây giúp cho bà dì thôi.
- Thảo nào tôi trông em vẫn dáng vẻ ngây thơ của nữ sinh. Em có học cắm hoa hay sao mà trông bình hoa nào cũng đẹp hết !
- Em không có học, chỉ là cắm theo óc mỹ thuật của mình thôi.

Bất chợt anh chàng hỏi tôi :

- Vì sao em chọn hoa cúc vàng.

và táo tợn thêm một bước tán tỉnh :

- Em có biết hai câu thơ của Nguyên sa viết không ? Có phải :" Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường ".

Tôi mỉm cười nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt, lắc đầu đính chính :

- Không phải, chỉ tại em thích hoa cúc thôi.
- Vì sao ? hay bây giờ là mùa thu hoa cúc nở phải không ?
- Em thích hoa cúc vì hoa cúc là một loài hoa chung thủy.

Sửng sốt anh chàng thắc mắc hỏi :

- Sao hoa cúc được xem là loài hoa chung thủy ?

Tôi nhẹ nhàng giải thích :

- Ông nhìn xem, những cánh hoa cúc khi nở vẫn xúm xít bấu chặt vào nhau, khi chúng tàn cũng vẫn thế, quyến luyến không lìa nhau cho đến khi khô héo.

Anh chàng gật gù :

- À, phải chúng giống như đôi tình nhân yêu nhau đến chết vẫn không rời.

Bình hoa cắm xong, sau khi ngắm nghía và tấm tắc khen nho nhỏ trong khi chờ tôi gói bình hoa :

- Hoa đẹp thật, nhưng người cắm vẫn đẹp hơn.

câu nói làm tôi xấu hổ cúi mặt dấu nụ cười.
Nhiều ngày sau đó, buổi chiều tan sở anh chàng đều ghé qua cửa tiệm, đi một vòng quanh các tủ hàng, không mua gì có lẽ chỉ để được dịp mỉm cười chào tôi. Một hôm ra cửa hàng hơi sớm, chị quản lý vẫn chưa mở cửa vì vẫn còn giờ nghỉ trưa, tôi đang ngồi trên bậc thềm thờ ơ nhìn người qua lại. Bất chợt trông thấy anh chàng từ xa đi thẳng đến, tôi vừa mới đứng lên lúng túng gật đầu chào thì anh ta đã vội nói :

- Hôm nay anh không đến ngắm hàng chỉ muốn mời em đi uống ly nước làm quen thôi.

Vậy là chúng tôi quen nhau và thực sự yêu nhau lúc nào chẳng rõ, bấy giờ tôi mới biết anh là sĩ quan hải quân trên chiến hạm. Sau vài tháng lênh đênh anh về bến và chúng tôi lại gặp nhau. Bình hoa ngày nọ anh mua để đặt trên bàn ăn cho có chút hơi hướm phụ nữ vì trên tàu chỉ toàn là cánh mày râu. Anh nói đi tàu không thể cắm hoa tươi đành xài tạm hoa ny lon vậy nhưng chỉ được những ngày biển êm thôi, biển động thì mọi thứ trên bàn đều nằm dưới sàn tàu. Tôi ríu rít hỏi anh những chuyện về biển đã làm tôi thắc mắc.

- Vậy khi nào thì biển êm và lúc nào thì biển động vậy ?
- Em có nghe câu nói " tháng ba bà già đi biển chưa ?” thường thì tháng này biển êm nhất.
- Anh là sĩ quan sao không thấy đeo hoa mai.

Anh dụi tàn thuốc trong cái gạt và giải thích :

- Lính bộ binh mới mang hoa mai,
- Hồi mới gặp em không biết anh là sĩ quan vì không có hoa mai.
- Em chỉ cần nhìn cái nón đội đầu, sĩ quan cấp úy thì có viền vàng, cấp tá có thêm hoa lá cành.

Tôi lắc đầu, rụt cổ ;

- Em chịu thôi bên hải quân nhìn khó biết được cấp bậc thấy mồ !

Anh hỏi tôi :

- Chuyến tới tàu anh đi đại kỳ, em muốn anh mua tặng em cái gì ?

Tôi nhắm mắt ậm ừ suy nghĩ " để xem mình muốn mua gì đây " chưa kịp mơ? miệng môi tôi đã bị anh khóa chặt bằng nụ hôn đầu đời khiến người tôi mềm nhũn, mơ màng như mới vừa uống ly rượu say. Bên tai giọng anh thoảng nhẹ :

- Muốn anh tặng quà gì nào.

Tôi thì thào :

- Em hả, chỉ muốn anh mua cho em một con búp bê.

Anh nhìn tôi mỉm cười như vừa thấy một cái gì ngộ nghĩnh lắm rồi nói :

- Cô bé lớn đầu vẫn còn thích chơi búp bê.

oOo

 Tay cầm con búp bê chỉ còn lại cái đầu và thân mình đi xuống dưới nhà, con gái tôi năm nay bốn tuổi. Bốn tuổi mà chồng tôi chỉ trông thấy nó hai lần. Lần đầu được hai tuổi rưỡi tôi mang nó theo hôm đi thăm anh ở Katum, Bổ túc. Lúc ra giếng kéo nước vo gạo nấu cho anh nắm xôi đậu xanh kịp ngày mai vào gặp mặt cùng nhau ăn, nó lẫm chẫm kéo áo bước theo tôi. Nghe tiếng chắc lưỡi của ai đó nói " tôi nghiệp cho những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh này, cả cha con đều không gặp mặt ". Sinh nhật lần thứ tư của con bé nửa năm trước tôi dẫn nó theo thăm anh tận núi Bà Rá nơi rừng thiêng nước độc. Thoạt đầu ba má tôi không cho mang theo sợ con bé không chịu nổi lam sơn chướng khí, nhưng tôi nói thư nào viết về nhà anh cũng nói nhớ đến con và khao khát được gặp mặt xem con lớn đến đâu. Con đường đi gian nan vất vả lại đèo thêm một đứa nhỏ chưa đầy bốn tuổi quả thật là một khó khăn. Đã vậy đường lên con dốc thẳng đứng trơn trợt, chiếc xe chạy bằng than chỉ chực tuột xuống, lúc xuống dốc lại càng hãi hùng hơn. Nước trên núi đỗ xuống xói mòn con đường thành những khe nứt sâu hoắm chạy dài, mọi người phải xuống xe mò mẫm cuốc bộ xuống hết con dốc dưới trời mưa tầm tã. Lưng cõng con, vai choàng chiếc áo mưa poncho cũ tôi lần bước níu bụi cây bên đường tuột lần xuống dốc, tuy vất vả nhưng vẫn an toàn hơn vì lần trước tôi nghe nói có nhóm người đi thăm nuôi chưa kịp vào tới đã bị lật xe tại dốc nầy, thôi thì mắm muối, cá thịt mang theo đổ nhào chưa kể đến một số người bị thương, cũng may là không có người chết. Vào đến trại đã tối mịt, chồng tôi mang cây đèn dầu leo lét ra đón hai mẹ con, trông thấy con bé anh định giơ tay ẵm thì nó thét lên giấu mặt quặp chặt lấy tôi không rời. Chồng tôi bàng hoàng, thiểu não nói " Ba đây ! Sao không nhìn ba ! " Ngồi nói chuyện con bé không cho tôi ngồi cạnh mà chen vào ngồi giữa, lăm lăm canh chừng khi chồng tôi nắm tay tôi hay giơ tay nựng nịu nó là nó đập con búp bê nhựa đang cầm vào tay anh bắt phải bỏ tay ra.

Tội nghiệp con tôi chỉ có con búp bê nhựa rẻ tiền, tay chân mắt mũi quần áo đều là một khối nhựa đúc dính liền làm đồ chơi. Hồi còn nhỏ tôi cũng có một con như vậy nên lúc nào cũng ước ao có một con búp bê biết nhắm mở mắt, tay chân có thể xoay tới xoay lui để có thể may quần áo cho nó. Ba tôi có nhiều con nên không thể thỏa mãn tất cả mong ước của những đứa con. Tôi còn nhớ nỗi vui mừng của mình khi trong tay có được con búp bê như ý. Gian hàng bán đồ chơi lắc xí ngầu trước cửa trường không hôm nào vắng bóng đám học trò xúm xít chung quanh, có nhiều món đồ chơi nhưng tôi chỉ chú mục nhìn con búp bê miệng ngậm cái núm vú, mặc độc nhất cái quần lót bé xíu. Tuy không nhắm mở mắt nhưng tay chân có thể giơ lên hạ xuống được. Lần đó vì lòng ham muốn tôi đã phạm lỗi cãi lời ba tôi là cấm không được cờ bạc, tôi mua năm cắc một con số trong hột xí ngầu. Tôi nhắm mắt chọn đại một số, khi cái chén vừa dở ra tôi bỗng hoa mắt khi thấy mình " trúng số ", tôi chọn lấy con búp bê nhưng người bán hàng nói phải bù thêm tiền, tôi trút hết số tiền ăn sáng còn lại để đổi lấy con búp bê và hôm đó tôi lại không thấy đói bởi tôi no nê niềm vui. Mang con búp bê về tôi giấu trong tủ áo của mình trên gác, tôi xin vải vụn để may quần áo cho nó, ngồi học bài tôi để con búp bê bên cạnh và đi ngũ cũng thế.

Mang con búp bê ra nhà sau rửa sạch sẽ rồi cất vào ngăn cuối tận góc trong hộc bàn. Những ngày kế tiếp bận rộn đối chiếu sổ sách với nhỏ nhân viên thủ kho đến khi công việc vào nề nếp tôi mới khoan khoái xoa tay ngồi nghỉ và lôi con búp bê không tay chân trong ngăn bàn ra ngắm nghía, nghĩ ngợi tìm cách khôi phục lại hình dạng của nó. Tôi còn nhớ năm học Đệ Tứ trong giờ nữ công ngoài việc học may những chiếc yếm, cái áo bà ba hay thêu khăn tặng cho chiến sĩ tiền tuyến nhân dịp xuân về, cô giáo có dạy chúng tôi làm những bức bích họa bằng vải vụn. Hồi ấy đề tài là cô gái Nhật mặc kimono, hai chị em dắt tay đi thăm Lăng đức tả quân Lê văn Duyệt. Chúng tôi lấy vải độn bông gòn bên trong kết thành hình đầu tóc, mặt mũi, tay chân, quần áo rồi dán lên bìa cứng. Cũng vậy cô giáo còn dạy chúng tôi làm những món đồ chơi nho nhỏ bằng vải, con nai con, con thỏ hay con ngựa độn bông.

Thời gian qua tuy nghèo đói vất vả tôi vẫn còn may mắn là trí nhớ chưa suy tàn thế là tôi bắt tay vào công việc tạo hình cho con búp bê. Suốt một tuần sau giờ cơm tôi không nghỉ trưa ngồi mày mò khâu vá những miếng vải vụn làm thành hình hai tay và hai chân, buộc chéo chúng vào bên trong lổ hổng của thân mình con búp bê. Nghiêng đầu ngắm nghía tôi cảm thấy cũng tạm được, bây giờ chỉ còn may thêm bộ quần áo phủ ngoài là xong. Để giấu khiếm khuyết tôi bắt chước những con búp bê thiếu nữ Việt nam với áo dài quần xa tanh trong tủ kính hồi xưa, tôi may cho búp bê của con tôi bộ quần áo bà ba mộc mạc và ngồi nhắm mắt mơ màng tưởng tượng niềm vui của con mình.

oOo

 Mùa đông sắp đến, ngày nghỉ tôi lục lọi mớ quần áo cũ nhẩm tính cắt cho con tôi cái áo đầm để mặc Tết, hơn năm năm qua rồi, bao nhiêu ngày " lễ lớn " bấy nhiêu cái tết đã qua, những mong đợi, hy vọng chồng tôi được thả về cũng trôi xa, ngần ấy thất vọng làm tôi xuôi tay rã rời mơ ước, bây giờ chỉ còn chờ những tờ giấy cho phép thăm nuôi gặp mặt làm niềm an ủi. Đang thơ thẩn chơi bán hàng trên tấm đệm đặt ở góc nhà với những cọng rau muống già tôi lặt ban trưa và con búp bê tôi nhặt về hôm nọ, bất chợt con bé hỏi tôi :

- Má sao con búp bê nầy con tập hoài nó không đứng được vậy ?
- À, tại nó có tật đó con,
- Có phải nó có tật không đứng được giống thằng Khiêm vì không chịu uống thuốc hả má.
- Ừ, nó bị sốt tê liệt nên không đi đứng được, chỉ ngồi và nằm thôi.

Được giải tỏa thắc mắc con bé quay lại với con búp bê và thì thầm nói chuyện với nó :

- " Cô mua mấy ổ bánh mì vậy ? Hai ổ hả, chờ chút nhe !”

Buổi chợ chiều lác đác thưa thớt, đi làm về tôi dắt xe đạp đi men theo dãy hàng mua bó rau, chị hàng xóm trông thấy tôi kêu :

- Giờ này bà còn lang thang ở đây chưa về nhà à ? Chồng bà đang đợi ở nhà đó.

Thấy tôi vẫn thờ ơ không lộ vẻ gì khác chị ta nói tiếp :

- Chèn ơi ! Chồng bà giống hệt con gái bà.

Tôi trố mắt nhìn chị ta đi về phía cuối chợ, bỗng nhiên trái tim tôi giật thót khi nhớ ra chị hàng xóm chưa bao giờ biết và gặp mặt chồng tôi sao lại thốt nên câu nói ngược ngạo ấy ! Đầu óc trống rỗng tôi tất tả đạp xe về.

Có những nỗi niềm khát khao, những thất vọng đợi chờ, đau khổ kéo dài khiến tâm hồn người ta chai sạn thoạt đầu mất hết cảm xúc bởi không tin, không dám tin dù sự thực xảy ra trước mắt. Tôi chỉ lắp bắp hỏi :

- Anh về luôn hả ?

như thể anh sẽ ra đi bởi vì tôi đã gặp anh như vậy trong mơ. Giống như thuở mới lần đầu gặp nhau, anh nhìn tôi mỉm cười, vẫn y hệt nụ cười ngày cũ dù bây giờ với hình hài tàn tạ, rách rưới. Nép sau cánh cửa con gái tôi đứng nhìn ra, má tôi nói con bé không cho ba nó vào nhà nói gì đến việc nắm tay chân hay ôm nó. Tôi với anh sóng đôi tay nắm tay vào nhà, lại gần nói với nó :

- Ba con đó, lại với ba đi con.

Nó hét lên một tiếng :

- Không phải ba !!

rồi ném con búp bê đang cầm ở tay vào chúng tôi. Chồng tôi nhìn nó với đôi mắt âu yếm, nhưng chua xót thiểu não nói

- Ba nè, sao con không nhận ba !

Ngồi cạnh nhau ở bàn tôi mừng rỡ hỏi anh chuyện được thả về, bất chợt tôi bàng hoàng khi nhìn thấy con tôi giờ chạy ra bên ngoài cửa đứng nhìn vào với ánh mắt thù hận chúng tôi. Tôi ôm lấy con tôi lúc ấy đang khóc nức nở và nói với anh :

- Cũng may anh là cha ruột chứ nếu ….. ! ".

không nói hết ý nghĩ tôi bỏ lửng câu nói giữa chừng. Mân mê con búp bê cầm ở tay như chợt nhớ ra anh hỏi tôi :

- Những con búp bê trước kia anh mua tặng em sao không đem cho con mình chơi ?

Tôi cúi mặt giấu nỗi buồn trả lời anh bằng giọng nói nhẹ như gió thoảng :

- Em bán hết rồi !!

Cỏ Biển
Mùa thu 2008