SỐ 40 - THÁNG 10 NĂM 2008

 

Thơ

Lầm
24Vũ Hoàng Thư
Qua công viên
24Di Trương
Đêm Mỹ Tho
21Phạm Hồng Ân
Gió về
18
Trần Việt Bắc
Bắc lưu
18Tử Hà
Bến yêu
18Huỳnh Kim Khanh
Thu
21
DTM - PTP - VHT
Thơ tri kỷ
21Ái Ưu Du
Khi tôi chết
21Hoàng Mai Phi
Đêm trăng tây bắc
24Đỗ Phong Châu
Hoa cỏ
24Tôn Thất Phú Sĩ
Trăng và tôi
21Kim Thành
Time stands still when I look into your eyes
18
Niles Vo
El Sol y La Luna
18Tiểu Châu
Em đến thăm một chiều mong manh
18Vinh Hồ
Oruga Hyakunin Isshu số 2
21
DTM - PTP - VHT
Thơ phiếm bầu cử Hoa Kỳ
21Tú Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Mùa thu và Paris
14
Xuân Phương
Căn nhà sau cửa biển
14Phan Thái Yên
Người tù điên
14Phạm Hồng Ân
Đoàn tụ
14Phan Ngọc Danh
Ban Mê và nỗi nhớ
13
Đỗ Trường
Vọng biển
14
Nguyễn Nhật Cường
Con búp bê tật nguyền
8Cỏ Biển
Nơi chỉ xài bạc cắc
8Tầm Xuân
Mái tóc của Huế xưa
8Trần Hoài Thư
Gió chướng
8Song Thao
Không gian ảo
8Tiểu Đỉnh
Chiếc áo gấm
8Ái Ưu Du
Trách nhiệm và luật pháp
8Đỗ Trường
Trở về
8Đỗ Phong Châu

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
1Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành - Kỳ 13
4Ngô Văn Xuân
Những lời tiên tri về tận thế
4Vinh Hồ

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 27
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (19,20,21)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết (2)
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Hồi kết

1Huỳnh Kim Khanh


 

Gió chướng


 
 Lấy chồng năm 20 tuổi, chưa đầy một năm sau tôi đã sanh cho gia đình chồng một đứa cháu đích tôn. Khỏi cần nói, cả nhà chồng tôi xúm xít lại chiều tôi như chiều vong. Vậy mà tôi vẫn cứ cảm thấy tiêng tiếc. Chưa làm vợ đủ đã lao vào làm mẹ, đời tôi mất hẳn chặng thơ mộng của một cặp vợ chồng son. Để bù lại sự hối hả của bụng dạ đàn bà, tôi nhẩn nha trì hoãn lại đứa con thứ hai mãi tới tám năm sau. Lần này là một bé gái - có nếp có tẻ - và nơi sanh cách lần trước cả một đại dương.

My gần như là một phó bản của tôi về hình thức nhưng, được sanh ra ở bên này và được giáo dục theo xã hội nơi tôi đang sống từ nhà trẻ tới trung học, nó đúng như Minh vẫn thường than vãn một cách vô ích, là một cô đầm rặt. Nó là con mình mà hình như không phải là con mình, chồng tôi vẫn nửa nghiêm chỉnh nửa đùa giỡn phán ra như vậy. Bạn bè của nó rặt một thứ tóc vàng mềm oặt, ăn chưa no lo chưa tới mà cô nào cô nấy cứ tưởng mình là người lớn, có suy nghĩ riêng, có cá tính riêng và chẳng bao giờ chịu nhượng bộ ông già bà già, dù chỉ một li. Nhưng thảng hoặc cũng có đứa biết suy nghĩ, chín chắn trong cuộc sống, tình cảm trong đối xử. Như Denise chẳng hạn. Cả tôi lẫn Minh đều thương con nhỏ này nhưng My thì không mặn với cô bạn này lắm ( Nó như một bà già thiếu tuổi!) tuy Denise là đứa lui tới với gia đình tôi thường nhất. Tôi có cảm tưởng nó lân la ở nhà tôi chẳng vì My, cũng chẳng vì thằng con trai đầu hơn nó tám tuổi của chúng tôi, mà vì nó thích cái không khí gia đình mà chúng tôi cố giữ được nét đầm ấm, riêng tư và thân tình.

Tôi quay người trước tấm gương dài kiểm soát áo quần trước khi ra đi, Denise ngồi trên chiếc ghế sát tấm gương, nhìn tôi bằng cặp mắt rộng ánh lên nét rộn rã.

'' Bác mặc áo đẹp quá!''

Tôi nhìn con nhỏ, nheo mắt với nó.

'' Cám ơn cháu. Nếu cháu không khen thì bác đổi áo khác liền!''

Nó cười. Chắc nó chẳng lạ gì cái tật của tôi. Phải thử vài cái áo trước khi ra khỏi nhà, nếu không cứ có cảm tưởng mình là con rối ở ngoài đường. Lần này thì phải quên cái tật mà Minh gọi là trình diễn thời trang này đi. Thay đâu được nữa mà thay! Chiếc áo gấm trắng bằng một thứ vải tương tự như chiếc áo cưới ngày tôi về với Minh hai mươi lăm năm trước, thứ vải mà Minh và tôi phải đi lùng khắp các tiệm vải tới mấy ngày Chủ Nhật mới tìm ra được, tìm ra thì mừng húm, vội cuốn lấy, trong bụng nghĩ là anh Ấn Độ bán vải có đòi giá gấp đôi cũng cứ tươi như hoa mà móc ví. Kéo thẳng vạt áo trước ra, tôi nói với Minh đang chăm chú nắn lại nút chiếc cà vạt đỏ trước một tấm gương khác.

'' Anh coi, cái tà áo này họ may không được úp phải không anh?''

Minh hình như đã quen với cái tật của tôi, biết tôi khó chịu không được thử vài chiếc áo như mọi ngày, chẳng rời mắt khỏi gương, giọng tỉnh bơ.

'' Thì em thử mặc ngược lại coi nó có úp không!''

Tôi không thèm nói nữa. Tôi háy. Ít ra cũng phải biết chiều chuộng vợ một chút chứ. Tôi muốn có một câu vuốt của Minh cho vừa cái bụng. Thực ra chiếc áo được may khá khéo, vừa vặn, ôm sát người, nhưng tôi phải cố kiếm được một điểm nào để vờ chê thêm một chút cho thêm thú vị. Như cắn một miếng ớt cho ngon miếng cơm. Vậy mà mỉa mai châm chọc. Tôi quay sang Denise.

'' Cháu thấy chiếc áo dài Việt Nam bác mặc ra sao?''
'' Hết xảy bác ơi! Bữa nào cháu phải nhờ bác đưa đi may một chiếc mới được.''

Con nhỏ này nói chuyện nghe được. Câu khen không đủ vị cay lắm nhưng cũng thú vị cái bụng. Tôi thân mật với nó.

'' Người cháu đẹp như vậy, mặc áo dài chắc đẹp lắm.''

Nó bày hàm răng đều tăm tắp ra, bá cổ tôi hôn lên má, thân người ý tứ giữ khoảng cách sợ nhàu chiếc áo dài của tôi. Cử chỉ của Denise thật dễ thương. Tôi coi nó như My nên mời nó làm người khách duy nhất trong dịp cưới bạc của Minh và tôi.

Thực ra Minh và tôi đã tính với nhau từ ba tháng trước là đúng ngày kỷ niệm, chúng tôi sẽ dành một bất ngờ cho hai đứa con và Denise bằng cách đưa chúng đi ăn tiệm, nhờ nhà hàng đặt sẵn một chiếc bánh, để vào cuối bữa ăn, nhà hàng sẽ mang bánh ra, chúng tôi mới nói lý do bữa ăn cho các con vui.

Minh và tôi đều thích giản dị, không ưa bày vẽ. Thiếu gì lần chúng tôi đã được mời tham dự những đám cưới bạc. Đám nào đám nấy đua nhau tổ chức cho đông, cho lớn. Dưới một trăm quan khách là đồ bỏ. Tổ chức tại nhà hàng loại hai cũng vứt đi. Phải xôm tụ cho mọi người hít hà đến mỏi miệng. Cứ đua nhau làm lớn lên mãi đến thành một đám cưới thật. Cũng đại tiệc, cô dâu cũng trùm voan, chú rể cũng hoa hoét đầy ngực, khách khứa cũng bao thư lót tay, lời chúc cũng chực chờ ở đầu môi. Xôm thêm một nấc nữa là cũng có tuần trăng mật ở một địa danh lớn nào đó. Mật có còn hay đã loãng hết là chuyện khác. Chỉ có một điều các đám cưới bạc này thua các đám cưới thật là không có đón dâu. Chẳng lẽ giờ này còn đưa đón lễ mễ!
Mỗi lần đi dự một đám cưới loại như vậy về, Minh vẫn chẳng dấu được vẻ mỉa mai.

'' Quá đát cả rồi mà còn bày đặt! Trông ngứa cả mắt lẫn miệng!''

Tôi cũng chẳng thể vỗ tay nhưng cũng ráng đổ chút nước vào cái nóng nực của chồng.

'' Chuyện của người ta mặc người ta. Mắc mớ gì tới anh mà tác giăng nổi giận.''

Minh liếc xéo tôi, buông thõng.

'' Lần sau em đi một mình nghe! Anh chịu hết nổi rồi!''
'' Ai bắt anh chịu đâu! Cứ ăn uống no say xong buông bát đũa đi về là xong. Ôm cái vớ vẩn làm chi cho nặng bụng.''

Bữa ăn kỷ niệm giản dị với con cái của chúng tôi rút cục cũng phải hoãn lại. Chỉ vì ông cha sở nơi nhà thờ giáo xứ nơi chúng tôi cư ngụ.

Cha Paul là người có óc tổ chức và nhiều sáng kiến. Mỗi năm, cứ vào đầu mùa xuân, cha lại tổ chức một lễ tuyên xưng hôn phối lại cho những cặp vợ chồng kỷ niệm 5 năm ngày cưới hoặc có số năm là bội số của 5. Năm nay có đúng bảy cặp. Một cặp cũng có 25 năm chung sống như vợ chồng tôi. Thâm niên nhất là hai ông bà cụ đã sánh vai nhau tới 50 năm. Trẻ trung nhất là một cặp mới có 5 năm hương lửa. Còn lại hai cặp kia cũng đã 10 năm mặn nồng.
Cả nhà thờ lặng yên khi cha sở mời những cặp vợ chồng tham dự tiến lên cung thánh. Tiếng đàn dồn dập điệu nhạc cưới nổi lên làm luống cuống bước chân của ông cụ chống gậy được bà vợ dìu sát bên cạnh. Cặp vợ chồng trẻ, trẻ từ bộ quần áo đến khuôn mặt, trẻ hơn nơi cái đuôi tóc cột dây của anh chồng, nhanh nhẹn cất bước. Minh và tôi dắt tay nhau. Tim tôi chạy theo tiếng nhạc. Đầu tôi như lơ lửng trôi về hai mươi lăm năm trước. Nhiều cặp mắt dán vào chiếc áo dài gấm trắng của tôi. Những cặp mắt vừa tò mò vừa khinh khoái làm luống cuống bước đi của tôi. Chúng tôi dàn thành hình vòng cung trước bàn thờ.

Cha sở nói những câu chào mừng ra sao tôi cũng chẳng nghe rõ. Đầu óc tôi loãng đi. Tôi đang sống lẫn lộn giữa hai cái tôi, ngày xưa và ngày nay. Chân ở đây mà hồn như bay về ngôi thánh đường xinh xắn năm xưa. Tôi liếc nhìn Minh. Mắt anh xa xăm bất động.

Tiếng đàn ngưng bặt. Nghi thức bắt đầu. Các ông bà thân mến. Các ông bà đến nhà thờ ngày hôm nay để tình yêu của các ông bà được Thiên Chúa đóng ấn trước cộng đồng. Thật vậy, Chúa Ki Tô rộng rãi chúc phúc tình yêu của các ông bà được phong phú và kiên cường để các ông bà luôn luôn trung tín với nhau và đảm nhận những trách nhiệm của hôn nhân, cũng như chính Người đã dùng phép Rửa Tội để thánh hiến các ông bà. Bởi vậy, trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh Người, các ông bà có hứa sẽ giữ lòng chung thủy với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày trong suốt đời không?

Tôi mạnh dạn thưa có, chen lẫn với nhỡng tiếng thưa khác âm vang chung quanh. Nhỡng giọt nước thánh rơi xuống đầu, đậu trên vai tôi. Tôi nhìn sang Minh. Hai mươi lăm năm tôi chẳng phụ lời hứa ngày lễ cưới. Hứa lại lần này, tôi vẫn tin chắc chúng tôi sẽ trung tín với nhau. Suốt đời này. Tôi thầm hứa: suốt đời sau nữa. Tôi đã chọn Minh. Minh đã chọn tôi. Một lần cho mãi mãi.

Những nụ hôn chúc mừng của Tâm chững chạc trong bộ đồ lớn, của My đang dạy thì làm tôi chảy nước mắt. Chúng như những chứng tích sống của tình yêu giữa tôi và Minh. Denise ôm hôn tôi. Mắt nó dàn dụa. Con nhỏ vừa tình cảm vừa mau nước mắt. Giọng nói của nó như được treo lên.

'' Chúc mừng bác. Cháu vui với bác và cố quên những vướng víu trong tâm hồn cháu.''

Tô khựng người. Con nhỏ có điều gì không vui. Buổi tối, ba đứa đưa vợ chồng tôi tới một nhà hàng chúng tôi chưa từng biết. Ba đứa nhỏ đã tổ chức bữa tiệc cưới bạc. Tâm và My như một cách bày tỏ yêu thương và tôn vinh cha mẹ. Denise như một chia xẻ với gia đình chúng tôi. Chiếc bánh cưới màu ngà sang trọng có ba cây đèn cày. Một đỏ nồng thắm của Tâm, một hồng duyên dáng của My, và một xanh chúc phúc của Denise. Tôi nghẹn ngào vài lời với đám con. Minh cảm động đến không nói được lời nào. Tình cảm của anh là một thứ dễ vỡ chỉ được anh ủ kín trong lòng và bày tỏ bằng ánh mắt và nét mặt. Lần tỏ tình đầu tiên với tôi, anh cũng chỉ nói bằng đôi tay bóp mạnh bàn tay tôi. Còn tôi, tôi hiểu anh trong ánh mắt bao phủ tôi chân tình. Hai mươi lăm năm qua, tình yêu của chúng tôi như củi hồng, chẳng bùng lên những lưỡi lửa phù phiếm, nhưng lúc nào cũng ấm áp bằng sức nóng âm ỷ bền vững.

Tôi để ý vẫn thấy cái vẻ rầu rầu của Denise. Ăn uống đấy, chuyện trò đấy, giỡn cợt đấy, nhưng vẫn phảng phất nét trìu kéo nặng nề. Nét vui lồng vào nét buồn. Miệng cười nhưng mắt vẫn nặng ưu tư.
Tôi dò ý My.

'' Denise nó có chuyện gì buồn vậy, con có biết không?''

My khó chịu.

'' Chuyện của nó, mẹ hỏi con làm chi?''

Bọn trẻ bây giờ như vậy cả. Chuyện nào ra chuyện đó, chuyện của ai người nấy lo, chẳng xía vào làm chi. Sự riêng tư là một cánh cửa không khóa nhưng đừng có dại dột hé cửa nhìn vào.

'' Thì mẹ tưởng nó có nói gì với con.''

Câu nói của tôi rơi vào thinh không. My đã vào phòng, đóng cửa, chấm dứt sự tò mò vô duyên của tôi một cách rốt ráo. Ngày nhỏ, tôi mà làm như vậy với cha mẹ thì phải biết, ngày nay tôi lèn sự chịu đựng xuống tới đáy dạ dày. Cũng một tôi thôi, nhỏ hay lớn tôi đều là kẻ thiệt thòi.

Buổi chiều, tôi đang mọc thêm tay để gấp rút làm xong bữa cơm thì My, áo quần sẵn sàng, thông báo với mẹ.

'' Con không ăn cơm nhà, tối nay con ngủ bên nhà con Denise.''

Chưa ăn mà bụng tôi đã thấy no, bực bội nhưng tôi chẳng dám to tiếng.

'' Sao con không nói với mẹ trước. Cơm gần xong rồi còn bỏ đi.''

My dửng dưng như người nắm chắc phần thắng trong tay, hạch lại.

'' Nó vừa điện thoại xong con ra nói với mẹ liền. Làm sao con biết trước được mà nói.''

Tôi vẫn như con chi chi.

'' Chuyện gì mà gấp vậy?''

My vừa xỏ giày vừa lùng bùng trong miệng.

''Chuyện của nó! Nó có problème!''

Tiếng cửa dập mạnh đã khóa miệng tôi không dại dột hỏi tới. Các ông hoàng bà chúa bây giờ khó tính lắm. Tốt nhất là nên chịu đựng. Tôi không cậy được miệng My nhưng miệng Denise thì tôi chẳng cần cậy cũng vẫn mở. Nó đang cần một chỗ dựa. Từ trường nó về thẳng nhà tôi cùng với My, chạy vào bếp, hôn má tôi, giọng rầu rầu.

'' Bác cho cháu ăn cơm nghe bác.''

Tôi vuốt mấy sợi tóc xô lệch của nó đặt vào đúng chỗ, thân mật.

'' Ừ, hôm nay bác có món cháu thích. Cháu biết món gì không? Spaghetti!''

Denise dậm chân.

'' Bác chọc cháu hoài! Cháu chỉ thích món của bác, bất cứ món gì. Spaghetti đâu có phải món của bác!''

Tôi hái được nụ cười héo hon của Denise. Dầu sao cũng là một nụ cười. Trước đó, mặt Denise như bị kéo xuống bằng một nỗi buồn nào đó ẩn dấu nơi ngực. My xả nước ào ào trong phòng tắm. Denise xớ rớ quanh tôi. Như có điều gì bồn chồn muốn thổ lộ. Tôi vặn hé chiếc van.

'' Hình như cháu có chuyện gì không vui phải không?''

Denise trả lời bằng một nhận xét.

'' Bác tinh quá!''

Đôi mắt lờ đờ ngủ ít khóc nhiều của nó, chỉ nhìn thoáng qua cũng biết. Có khó khăn gì cho một người mẹ quen bắt mạch cõi lòng của từng đứa con bằng nét mặt của chúng. Cửa đã mở, tôi chẳng cần dè dặt.

'' Chuyện gì vậy cháu, xem bác có giúp gì được cháu không?''
'' Cháu khổ lắm bác ạ!''

Nước mắt chực chờ từ bao giờ ứa ra. Cánh mũi Denise phập phồng ửng đỏ. Nó nhanh tay rút một tờ kleenex thấm mặt, giọng rạn nứt.

'' Ba má cháu ly dị nhau!''

Giờ tôi hiểu cái ''vướng víu tâm hồn'' của Denise hôm cưới bạc của vợ chồng tôi. Tôi chỉ nhìn thấy ba má Denise một lần trong một shopping center đông người do My chỉ. Trông họ có vẻ như là một cặp vợ chồng hạnh phúc. Cái tin Denise vừa báo làm tôi sững người nhìn chăm chăm vào mặt Denise. Tôi chẳng thấy gì cả. Lòng tôi đang chùng xuống. Tôi đang lường xem cái mất mát đã dâng cao tới mức nào trong tấm thân tội nghiệp này. Hai vợ chồng có nghề nghiệp khá, tiền bạc rủng rỉnh, một đứa con dễ thương, vậy mà đùng một cái bỏ nhau. Hai cuộc sống ráp vào nhau chẳng thể khít khao như hai cánh cửa tiền chế đúng tiêu chuẩn nhưng bên nhường bên nhịn thì lệch lạc cũng ngang bằng. Chẳng nói đâu xa, Minh với tôi cũng nhiều lúc vênh bên này váo bên kia nhưng rồi cuộc sống cũng êm trôi. Chỉ cần mỗi người thu nhỏ mình lại một chút, chịu đựng, nhường thêm tí chỗ cho người kia. Chịu khó ghé vai một chút thì những khấp khểnh được kê bằng ngay. Cha mẹ Denise chắc chẳng biết cúi xuống ghé vai. Sống trong một xã hội quá an bình, người ta cơ hồ như thiếu sức chịu đựng. Người nào cũng thoải mái giang chân giang tay chiếm cho thật nhiều chỗ. Cái tôi ít bị nguy nan nhiều phần sẽ trở nên hư đốn không biết nhường nhịn. Vợ chồng tôi, chẳng gì cũng đã chung lưng nhau gánh chịu nhiều bấp bênh, tai ương của cuộc sống trong một đất nước chiến tranh, nghèo đói nên biết thân biết phận hơn, dễ nhường dễ nhịn người khác. Thiệt một chút mà yên ổn vẫn hơn. Đã thiệt thòi nhiều thiệt thêm một chút có chết đâu. Chưa quen chịu thiệt mới khó chấp nhận phần kém.

'' Sao mà tới nông nỗi đó hả cháu?''

Câu hỏi dường như ngớ ngẩn của tôi được Denise đáp bằng một cái nhún vai.

'' Chắc ở lâu chán nhau, mỗi người tìm một ngả khác. Cháu chẳng biết nữa. Chỉ biết là lúc sau này ba má cháu mạnh ai nấy đi, mỗi người ở một phòng riêng, nhìn mặt nhau dửng dưng như không!''

Tính tôi cứ hay cố tìm những điểm lạc quan để an ủi người khác.

'' Chắc chỉ vì giận nhau vậy thôi. Bác hy vọng sẽ có lúc ba má cháu nghĩ lại thì mọi chuyện sẽ lại êm đẹp.''

Denise cười khẩy. Tôi bỗng thấy mình vô duyên lạ. Tô hồng một chút mà như cũng chẳng qua mặt được đứa nhỏ đáng tuổi con mình.

'' Muộn rồi bác ơi! Ông cũng có bồ, bà cũng có bồ, còn lối nào mà quay về được nữa!''
'' Còn cháu chứ!''
'' Cháu mà ăn thua gì!''

Nước mắt lại rỉ rả trên khuôn mặt buồn rũ rượi của Denise.

'' Có ai thèm nghĩ tới cháu đâu!''

Câu nói tủi hận của đứa nhỏ tôi coi như con làm nát lòng tôi. Mắt tôi cay xè. Nước mắt tôi đang dồn lên. Mí mắt tôi nằng nặng. Phải đè những giọt cay đắng này xuống để bình tâm làm cây cột cho con nhỏ dựa vào. Chưa xong đằng mắt thì đằng mũi trống hốc trống hác. Nước mũi ơi, làm ơn đừng kéo nhau tuôn xuống chứ. Nhưng cả mắt lẫn mũi tôi cứ lì ra chẳng chịu theo ý tôi. Denise miết tờ giấy lau trên má tôi.

'' Cháu xin lỗi đã làm bác buồn.''

Tôi ôm đầu con nhỏ, để cả khuôn mặt ẩm ướt của nó vùi trên ngực tôi.

'' Cháu không có lỗi gì. Tính bác hay xúc động, không sao đâu. Bác thấy tội cháu quá. Rồi cháu sẽ ra sao?''

Denise lại nhún vai.

'' Kệ nó bác ơi. Tới đâu hay đó. Nhưng chắc cháu phải tính chuyện ở riêng. Cháu chẳng cần ai cả!''

Mười tám tuổi, ăn chưa no lo chưa tới, làm sao Denise có thể chống chỏi được với cuộc sống đầy tráo trở. Tôi rùng mình. Nó có khôn lanh hơn My không? My trong vòng tay tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ ham chơi và khờ khạo. Nó vẫn luôn luôn tự chứng tỏ là người lớn nhưng tôi vẫn nhìn thấy tất cả những ngớ ngẩn, vụng về và ngây ngô của một đứa trẻ. Một đứa-trẻ-người-lớn. Chẳng ra ngô chẳng thành khoai. Tôi cố vớt vát khuyên Denise.

'' Bác thấy cháu chưa đủ sức để sống một mình đâu. Cháu nên lựa lấy một người, hoặc ba cháu, hoặc má cháu.''
'' Cháu chẳng thương ai hết. Hơn nữa, cháu chẳng muốn làm một cái đuôi thừa thãi cho bất cứ ai.''

Biết nói gì hơn, tôi vớt vát thêm.

'' Dù sao, bác cũng khuyên cháu nên nghĩ lại.''

Những ngày sau đó, tôi không thấy Denise héo lánh tới nhà tôi. Chắc con nhỏ đã quá chán với những lời khuyên trái với ý nó. Tôi đã thành một thứ kỳ đà kềnh càng nằm ngáng con đường hận đời mà nó đang cắm đầu cắm cổ rảo bước. Thắc mắc nhưng tôi ngại không dám hỏi My. Tôi sợ phải đối đầu với sự thực. Tôi ru tôi bằng hy vọng con nhỏ đã yên bề đâu đó với cha hoặc với mẹ. My cũng chẳng bao giờ hé miệng nói gì về Denise. Như nó chưa bao giờ có một con bạn tên là Denise cả.
Thần kinh tôi yếu hơn thần kinh của My, tôi đành nhúng chân thử nước trước.

'' Sao lâu nay mẹ không thấy con Denise lại chơi vậy?''

My chẳng cần quay lại nhìn tôi. Mắt nó vẫn chăm chú vào màn ảnh truyền hình.

'' Con cũng chẳng biết nữa.''
'' Con có hay gặp nó không?''
'' Không!''
'' Bộ nó không tới trường nữa hay sao?''
'' Con không thấy nó.''
'' Bữa nào con có gặp thì bảo nó tới chơi.''
'' Mẹ nhớ nó hả?''
'' Con không nhớ nó sao?''
'' Tại sao lại nhớ? Con thiếu gì bạn. Có nó cũng được mà không có nó cũng chẳng sao!''

Tôi nhìn My. Con tôi đó ư? Sao mà nó hời hợt dỡ vậy! Ngày xưa còn đi học tôi đâu có thể vô tâm với bạn đến như vậy. Tôi muốn nổi giận với con rô bô mang máu huyết tôi.

'' Dù sao nó cũng là bạn con, con phải hỏi xem nó ra sao chứ! Con biết là gia đình nó có vấn đề, biết đâu con hay mẹ có thể giúp gì được nó chứ!''

My gân cổ lên cãi.

'' Thì con hỏi nhưng chẳng đứa nào biết nó đi đâu cả. Có đứa tới nhà nó thì nhà nó bán rồi. Nó đi mà không liên lạc gì với mình thì thôi chứ. Chẳng lẽ con đi trình cảnh sát à? Hay là gọi 911?''

 Đối với My, Denise thì cũng chẳng khác gì với những Catherine, Linda, Angie, Véronique....Nhưng sao tôi vẫn nặng bụng với con nhỏ khốn khổ này. Làm sao tôi xóa đi được hình ảnh của nó trong ngày cưới bạc của tôi. Nó lặng lẽ vui cái vui của vợ chồng tôi, lặng lẽ dấu đi cái buồn đứt đoạn của ba má nó. Làm sao tôi quên được lúc nó thổ lộ tâm tình với tôi, tưởng tôi có thể đỡ đần được nỗi xót xa của nó. Bây giờ nó lưu lạc nơi đâu? Tôi vẫn canh cánh bên lòng sự bất lực của tôi. Tôi biết mình chẳng làm gì được nhưng vẫn giận sự chẳng làm gì được của mình.
Bụng tôi vẫn cứ anh ách như vậy nên khi nhận được điện thoại của con nhỏ tim tôi muốn lồng lộn lên.

'' Bác vẫn thường chứ ạ?''
'' Cám ơn cháu, vẫn thường. Còn cháu sao? Bác vẫn trông tin cháu hoài.''
'' Cháu vẫn tự hỏi cháu có còn là Denise của bác không nên e dè ngại điện thoại lại cho bác. My vẫn đi học thường chứ bác?''

Cái giọng ngập ngừng quẹo qua chuyện My để che đậy sự bối rối làm tôi càng nôn nóng muốn bóc trần sự thực.

'' Ừ, nó vẫn đi học thường. My cũng như đám bạn bè cũ của cháu vẫn có ý tìm cháu đấy chứ. Bây giờ cháu ở với ai, sống ra sao?''

Đầu giây bên kia lặng thinh. Tôi thầm đếm tới mười, chắc tim tôi phải nhảy tới hai mươi lần, mới nhắc.

'' Denise, cháu có nghe bác nói không vậy?''
'' Có.''

Tai tôi nghe chỉ một tiếng mà lòng tôi cảm nhận rõ ràng cả một vũng nước mắt bọc kín âm thanh ngắn ngủi đó. Tôi sợ đường giây điện thoại sẽ cúp bất thần, hối hả hỏi dồn.

'' Cháu bây giờ ra sao? Có chuyện chi cần tới bác không? Cháu cho bác gặp cháu được không?''
'' Mai cháu tới bác nghe! Cháu cần bác! Chào bác!''

Giọng Denise nghe gấp gáp. Như một người bị đuổi riết sau lưng. Tiếng bíp bíp đều đặn từ tốn khi điện thoại bị cúp làm tôi bực mình. Rõ là đồ gỗ đá vô tri.

Denise tới thật. Tới rất sớm. Chỉ mình tôi ở nhà. Denise như một cây liễu. Cao nhưng rũ rượi. Tôi cảm được ngay hồn liễu. Cũng rũ như lá. Đặt trên má nó chiếc hôn, tôi thương nó như thương My. Denise không hôn lại tôi mà úp cả mặt lên vai tôi. Chiếc áo mỏng chẳng ngăn được vai tôi ướt nỗi buồn của Denise. Nỗi buồn loang ra lớn hơn sự bất ngờ của tôi.

Denise có bầu. Với một thằng nhỏ nào đó. Trong một lúc chán đời. Nó chẳng biết xoay trở làm sao với cái mầm sống không chờ đợi trong bụng. Đành níu tôi. Cái phao của nó cũng đang xoay vòng, đầu tôi như chỉ rối. Một cuộn chỉ rối chẳng có thể gỡ được một cục rối nùi to như một hòn núi. Tôi rót nước lạnh cho Denise và tôi. Mong một chút nước có thể đưa thuyền tôi trôi vào một bến bờ tĩnh lặng nào đó.

Tôi chợt nhớ tới cuộc tranh luận trong lớp Đàm Thoại Pháp Văn tôi theo học ngày mới đặt chân tới thành phố này. Đề tài do ông thày trẻ hiếu động đưa ra. Nếu bạn biết đứa con vị thành niên còn đang đi học của bạn mang bầu, bạn sẽ phản ứng ra sao? Hai chục con người có già có trẻ, có nam có nỡ, thuộc nhiều sắc dân khác nhau mải miết tranh luận. Ý kiến thật đa dạng. Trẻ mỏ lầm lỡ thì xóa đi làm lại, cho phá đi là xong. Không được! Tôn giáo đâu có cho phép phá thai, mà cũng tội đứa nhỏ vô tội. Cứ để nó sanh nở xong xuôi rồi cho con đi để mẹ làm lại cuộc đời. Làm vậy cũng tội quá vậy. Dù sao cũng ruột già máu mủ mình, để ông bà hoặc họ hàng thân thích nuôi cho mẹ nó rảnh tay đi học lại. Thế tại sao không cho chúng nó cưới nhau quách đi thì cái bầu đâu có thành vấn đề nữa. Đâu có được, cả hai đứa còn ăn chưa no lo chưa tới thì làm sao mà tạo dựng được một gia đình. Đúng rồi, chỉ một ít lâu, chán nhau, bỏ nhau thì còn khổ hơn nỡa... Tôi hăng hái chạy vòng quanh các giải pháp. Đầu lăng xăng tìm chỡ, lắp câu, lúc ngả theo phe này, lúc xuôi theo phe khác. Như tham dự một cuộc tranh luận cho qua giờ trong một cuộc tiếp tân. Nói đó rồi bỏ đó. Chỉ cốt tập nói cho quen thứ tiếng đang theo học. Vấn đề chẳng phải là một đe dọa gần. My lúc đó còn nhỏ xíu. Và tôi thì vẫn tin chắc vào sự giáo dục và chăm sóc con cái của mình. Chắc chẳng bao giờ tôi lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười như vậy.

Denise mang tới nhà tôi vấn đề tưởng chỉ là một giả tưởng đối với tôi. Chuyện tưởng vạn dặm bỗng bay vụt tới trong gang tấc. Đầu tôi như bị cấy tung lên. Có còn giải pháp nào nằm yên được đâu. Phải làm sao bây giờ? Denise chắc đang hy vọng tay tôi có một cây gậy thần. Tôi thì đang cố giỡ cái đầu đang quay theo vận tốc của một chiếc cánh quạt máy bay. Bình tĩnh nghe, tôi tự nhủ. Hãy nhốt gió lại cho biển im sông lặng. Tôi gỡ bí như một chính khách khôn ngoan.

'' Cháu đã cho má cháu biết chưa?''
'' Cháu không liên lạc với má cháu từ lâu rồi.''
'' Còn ba cháu?''
'' Cũng vậy!''
'' Để bác giúp cháu liên lạc lại nghe?''
'' Không! Cháu ghét họ!''

Tôi trơ khấc ra một mình lãnh nạn. Denise cũng như My của tôi, chẳng thể nào bỏ nó được. Đầu tôi chợt nghĩ bằng mọi cách sẽ phải tìm cách liên lạc với ba má Denise. Ba cái đầu chắc phải hơn một cái. Bốn cái chứ, tôi cười thầm cho cái bụng tào lao của mình. Còn Minh nữa chi. Tôi vỗ về con nhỏ.

'' Cháu cứ yên tâm, bác sẽ tính cho.''

Nụ cười gượng gạo của Denise làm tôi vững bụng. Tôi thấy tôi như một tảng đá vững chắc. Trong mắt Denise.

SONG THAO