"Ông làm sao vậy?... Ông muốn ăn gì không?"
Không nghe tiếng trả lời, bà Ba Thân, má hóp da nhăn, thản nhiên nhìn vẩn vơ ra ngoài ngõ, nơi mà lá vàng cuối thu đã rơi rải rác dọc theo con đường vắng. Căn nhà nhỏ bé vợ chồng bà thuê bấy lâu nay lại trở nên vắng lặng, cái thứ vắng lặng buồn thảm, cô quạnh mà mỗi năm mười phút bà lại phải kiếm chuyện để nói, để khuấy động.
Nhìn ra cửa một lúc đến chán bà liền quay đầu, sửa lại cái kiếng lão trên sống mũi rồi tiếp tục đọc nốt cuốn Kinh Pháp Hoa. Cái quạt máy trong một góc phòng vẫn kêu rèn rẹt, quay qua quay lại theo một nhịp độ đều đặn. Cuối vòng quay, nó giựt bắn, nhảy trở lại một đoạn nhỏ rồi tiếp tục quay vòng như củ. Cái quạt chạy hết mức của nó nhưng chỉ vừa đủ để thổi phất phơ mấy sợi tóc bạc trên đầu bà lão. Trên kệ thờ Phật, đối diện với khung cửa sổ, một nén hương cuộn tròn vì cháy đã gần nửa; một làn khói mỏng tỏa ra nhẹ nhàng, bay lơ lửng rồi tan nhanh vào trong không khí. Nải chuối cúng Phật đã mấy ngày nên màu xám xịt; mấy cành hoa cúc đã héo, rơi vung vãi, nửa trên bàn thờ nửa dưới đất.
Khi chiếc đồng hồ treo trên tường điểm giấc bà Ba ngước cổ lên nhìn, rồi bà đếm theo, một, hai, ba... Không biết từ lúc nào mà bà lão lại có thói quen đếm theo tiếng chuông đồng hồ. Có lẽ tại sự yên lặng của căn phòng khiến bà sợ hãi, khiến bà mong mỏi một tiếng động, một sự trở mình, nhúc nhích. Bà vẫn mong có ai gọi điện thoại để bà đứng lên, trịnh trọng với tay cầm ống nghe rồi từ tốn trả lời, rồi cám ơn người gọi, ngay cả những lúc người ta gọi lộn số. Có mấy ngày liền chẳng thấy ai gọi bà bèn dùng điện thoại di động để gọi số điện thoại nhà. Thế là điện thoại reo lên và bà vừa nghe vừa mỉm cười an ủi.
"Mới đấy mà đã chín giờ sáng rồi, mau thật hả ông?" Bà nói mà chẳng mong gì ông trả lời hay góp ý.
Trả lời làm sao, góp ý làm sao, khi mà ông chỉ còn là một bức hình vuông vức, đặt ngay ngắn trên bàn thờ Phật. Từ khi ông mất hơn một năm nay, bà biết ý ông nên đặt bàn thờ quay về hướng nhìn ra ngoài ngõ. Bà làm thế bởi thuở sinh thời ông hay ngồi suốt ngày trên chiếc ghế bành, nhìn bâng quơ ra ngoài sân để hồi tưởng về những kỷ niệm xưa cũ.
Cũng từ khi ông mất đi, một ngày như mọi ngày, bà quét dọn nhà cửa rồi ngồi tụng kinh, đọc sách. Cây lá ngoài sân chao động mỗi lần gió thổi. Mấy đóa hoa hồng cuối mùa nên bạc màu, rụng dần hết cánh. Dăm ba con chim sẻ bay sà xuống kiếm ăn, rượt đuổi, rồi bay biến lên mấy cành cây. Khi nào ngồi nhìn ra cửa sổ đến chán, bà lại nghĩ đến ông, lại kiếm chuyện để nói vu vơ.
"Sao nãy giờ điện thoại chưa reo hả ông?... Sao đồng hồ lâu rồi mà chưa điểm giấc?"
Cuộc sống của bà bây giờ chỉ có vậy, thả hồn theo với những kỷ niệm trong ký ức, miên man chỗ này chỗ nọ, không bến không bờ.
Từ ngoài cửa cô Hằng đứng nhìn mẹ nói một mình rồi ứa nước mắt. Cô lẳng lặng bước vào đứng ngay sau lưng bà mà bà không hay.
"Ông à, tôi xin lỗi ông. Lỗi của tôi tất cả... biết vậy... biết vậy thì tôi đâu ép ông qua đây làm chi!"
Nghe đến đấy cô Hằng bật òa ra khóc. Cô ôm choàng lấy mẹ,
"Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Lỗi của tụi con..."
Ngay tối hôm đó, cô Hằng bàn tính với mấy cậu em để đưa mẹ vào viện dưỡng lão.
o0o
Số là từ hồi di cư 54 vào nam, vợ chồng bà Ba Thân mua được căn nhà bên kia cầu sông Trà Khúc. Ông làm thư ký cho quận Sơn Tịnh ở gần đấy, bà buôn củi và muối dưới bến Tam Thương. Ngoài cô Hằng, ông bà còn có thêm ba người con nữa nhưng sau giải phóng họ đi vượt biên cả. Thấy nhà trống trải bà về Quảng Bình đưa vợ chồng đứa cháu gái vào nuôi. Lâu dần họ đối xử với ông bà Ba còn hơn cha mẹ ruột khiến ông bà mừng lắm, thật đúng 'bà con xa không bằng láng giềng gần.' Từ đấy hai ông bà sống êm ấm, bình thản như dòng sông Trà Khúc, tưởng chẳng còn mơ ước gì hơn.
Thời gian trôi như nước chảy qua cầu, hết giai đoạn chính sách đổi mới đến thời kỳ gia đình đoàn tụ. Xóm trên có gia đình ông A sắp đoàn tụ bên Úc, xóm dưới có gia đình bà B mới đi Mỹ hôm qua. Ngày nào cũng vậy, người trong thị xã rỉ tai nhau, tị hiềm nhau, mỉa mai nhau về những chuyện đoàn tụ như thể thuở chiến tranh người ta vẫn chê bai những cô gái nào vào làm sở Mỹ.
"Thôi, vậy là ấm thân ấm cật lắm rồi! Lâu nay chân lấm tay bùn mà chợt một phút được lên xe hoa, ăn trên ngồi trước, phú quý đến mấy đời..."
Hoặc là,
"Không hiểu được... bà già gần xuống lỗ, răng rụng gần hết vì trầu vì cau, có ăn bạc ăn vàng gì bên đó mà đi cho khổ?”
Nói thì nói vậy mà thôi, nhưng may mắn lỡ tới phiên mình nhận được tờ giấy bảo trợ thì cũng âm thầm hãnh diện không kém.
"Có thế chứ! Chẳng lẽ ta đâu mãi thế này? Thiên hạ đoàn tụ thì ông cũng phải đoàn tụ mà thôi!... ông đi cho bõ ghét... "
Chuyện đoàn tụ trở nên nóng bỏng, thời thượng cũng như thuở xa xưa người ta đâm đầu đi nuôi chim cút, một vốn mười lời. Thấy ông già bà cả nào đoàn tụ được vài năm thì da thịt trở nên hồng hào, cứ y như gà công nghiệp, ai mà không ham. Lại có người nói ở ngoại quốc buồn da diết, thấu ruột thấu gan. Buồn là buồn làm sao? Buồn vì con bò trắng răng à? Chỉ có bọn ích kỷ, sợ người ta đoàn tụ nhiều rồi dành hết phần ăn, mới la toáng lên là ở ngoại quốc buồn não nuột, khủng khiếp lắm.
Những ý kiến trái ngược nhau như vậy khiến người nào trong thị xã cũng phân vân, không biết nên hay không nên xuất ngoại. Nghe đi thì cũng ham đấy, nhưng liệu có 'tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa' hay không? Thôi thì mặc cho số mệnh, khi nào cái tờ giấy bảo trợ lù lù đi vào nhà như chuyện cổ tích 'cái chum vàng' rồi hẵng hay!
Riêng cho ông bà Ba Thân thì tờ giấy bảo trợ đi vào nhà thật. Một ngày nọ có người trên ty bưu điện thị xã đích thân đạp xe đạp qua cầu Trà Khúc để kiếm nhà ông bà. Anh ta ý tứ, kéo bà Ba vào tận sau vườn rồi thì thầm to nhỏ. Bà Ba liền biếu người ta một ít tiền rồi cầm tờ giấy đi hội ý mấy người quen trong xóm. Thế là danh sách 'thí sinh trúng tuyển' trong thị xã lại có thêm tên tuổi một cặp vợ chồng già. Xóm trên làng dưới biết tin kéo đến đầy sân để chia vui. Vợ chồng cô cháu gái cũng chúc mừng, "O Dượng ăn ở có phước, kiếp trước khéo tu... mấy anh chị hiếu thảo..."
Nhưng ông không muốn đi đâu cả, viện cớ đã ngoài sáu mươi và đã quen với nếp sống dân dã, chòm xóm. Còn bà thì nhất định không chịu ở lại, viện cớ con cái ở đâu cha mẹ phải theo đó để nương dựa lúc tuổi già, ốm đau. Ai đúng, ai sai, nào ai biết được?
Có lần điện thoại reo:
"A lô, a lô..."
"A lô, con nói gì... nói to lên mẹ không nghe rõ..."
"A lô, Hằng đó hả con... cái gì... ông tắt ngay cái quạt máy, tôi không nghe được."
"A lô... a lô... bỏ mẹ đi mất, nó cúp rồi..."
“Tôi đã dặn ông bao nhiêu lần, khi nào điện thoại reo thì ông làm ơn tắt giùm tôi cái quạt máy.”
Với những cú điện thoại như vậy, từ bên kia trời tây mấy người con liên tục hối thúc. Còn bên này Thái Bình Dương ngày nào bà Ba cũng sốt ruột như lửa đốt, đứng ngồi không yên, chẳng còn tâm trí để làm ăn buôn bán. Lúc nào bà cũng đứng lẩn quẩn bên cái máy điện thoại, rồi bà đếm từng ngày để chờ phỏng vấn, làm giấy tờ di trú, nhập cư, vân vân. Số thì giờ còn lại bà dùng để dằn vặt chồng bà, bởi vì ông lừng khừng, trì kéo, không nhất trí một dịp may mà mọi người ai cũng thầm mơ ước.
"Ông chỉ việc đi với tôi lên tỉnh để ký giấy tờ, mọi việc đã có tôi lo cho cả... ông nghe rõ chưa?... tôi lo cho cả... "
Thế là nước chảy đá mòn, ông Ba Thân như tên tử tội bị lôi ra pháp trường, vừa đi vừa càu nhàu,
"Lại di cư... lại đoàn tụ... tôi già rồi, bà có biết không?"
o0o
Một năm sau khi đoàn tụ với con cháu, ông bà Ba Thân dọn ra ở riêng.
Bởi thấy bố mẹ như trái banh lông, ở với gia đình đứa con nào cũng không tiện, cô Hằng bàn với các em để thuê một căn nhà cho bố mẹ. Ở riêng như vậy, anh em, dâu rể, nội ngoại không hục hặc, không chia phe rẽ đám. Ở đây người nào cũng phải đi làm từ sáng cho đến tối, mệt bở hơi, nín thở. Có bố mẹ trong nhà thì phải hầu, phải lo cơm nước, giữ lễ giữ nghĩa, rồi cuối tuần còn phải chở đi chùa, thăm viếng, hoặc bày trò cho các vị bô lão mua vui. Không có người ngoài ở trong nhà mà vợ chồng đã cơm không lành canh không ngọt, lục đục suốt ngày, hăm he li dị, huống hồ gì có bố mẹ để phải làm dâu làm rể. Ba bảy hăm mốt ngày, ngọn lửa nhỏ không dập tắt sẽ bùng lên để rồi dứt tình, đoạn nghĩa. Cô Hằng cũng đau lòng lắm khi để bố mẹ ra ở riêng, nhưng với sức cô, cô cũng đã mỏi mệt lắm rồi, không biết phải giải quyết cách nào cho ổn thỏa hơn.
Thấy căn nhà yên tĩnh, trống vắng, bà Ba nuôi một cặp chim để nó hót cho vui nhà vui cửa. Nhưng khổ nỗi, chim chỉ hót khi còn tự do bay nhảy trên cây, chứ bị nhốt trong chuồng nó dần dần héo úa, chỉ đứng nhìn, bất động. Thấy chim ủ rũ, bà Ba thương tình thả nó ra. Hết nuôi chim bà lại nuôi chó. Một thời gian sau bà thấy hầu chó coi bộ còn mệt hơn hầu con nít. Thế là sau khi nó chết bà không còn can đảm nuôi thêm một con nào nữa. Nhưng vì căn nhà quá vắng lặng, chịu không nổi bà bèn nghĩ ra chuyện mua một con rùa để nuôi, vừa đỡ hầu hạ mà rùa lại sống dai. Khổ nỗi, rùa chẳng mấy khi cử động, nhúc nhích, nên bà thấy nuôi rùa cũng như không.
Dọn vào nhà thuê được chừng vài tháng thì tim ông bị biến chứng, ngừng đập trong khi ông đang ngồi nhìn ra cửa sổ. Biết ông mất vì buồn, vì nhớ quê cũ, bà Ba ân hận lắm. Mỗi lần thắp nén hương lạy ông, bà vẫn cầu xin ông tha thứ cho lỗi lầm của bà, nhưng mọi sự đã quá trễ. Từ đấy, trong những ngày tháng hiu quạnh của tuổi già, bà chỉ sống lủi thủi, tụng kinh, đọc sách, hoặc trò chuyện với hình bóng của ông như thể ông vẫn còn sống, vẫn ngồi trên chiếc ghế bành nhìn ra ngoài sân.
o0o
Viện dưỡng lão bà Ba vào ở là một tòa nhà gạch hai tầng khá lớn, nằm ẩn khuất trong một khu rừng thông. Đường đi vào viện ngoằn ngoèo, len lỏi qua mấy rặng cây, mà từ ngoài biên nhìn vào không ai có thể ngờ được trong đó lại có một trạm tiếp liên cuối cùng cho số kiếp nhân sinh.
Ngày mấy chị em cô Hằng chở mẹ vào nhập viện có lẽ là ngày buồn thảm nhất cho đại gia đình của cô. Bà Ba đã già yếu, không thể tự lo cho mình được, nên đành nhập viện mà trong lòng vừa lo sợ, vừa buồn tủi. Còn cô Hằng và các cậu em đều ứa nước mắt nhưng không biết làm sao hơn. Họ tin rằng vào ở trong viện dưỡng lão bà Ba sẽ được săn sóc kỹ lưỡng hơn, sẽ sống khỏe mạnh và thọ hơn. Có điều là họ không ngờ từ bao lâu nay, mỗi lần tụng kinh niệm Phật, bà vẫn cầu ơn trên cho bà được đoàn tụ một lần nữa, chỉ một lần nữa mà thôi. Chỉ duy lần này bà muốn mau về với ông ở bên kia thế giới.
Khi mọi thủ tục giấy tờ đã làm xong, gia đình cô Hằng và của mấy cậu em đứng nối đuôi, thay phiên nhau ôm chầm lấy bà Ba Thân để từ giã. Nhưng sau khi leo lên xe, lái vừa rời khỏi cổng, mọi người lại cười nói huyên thuyên, vui vẻ như thể chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
Phan Ngọc Danh
|